TTO – Đồng Tháp hôm nay khẳng định được thương hiệu của mình từ những đóng góp của cây sen cho kinh tế tỉnh, một ngành hàng chủ lực giàu tiềm năng.
Biểu tượng một vùng đất
Năm 2017, tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề án tạo dựng hình ảnh địa phương, chọn slogan Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen, khẳng định thương hiệu Đất Sen hồng. Tỉnh này cũng lấy hình ảnh sen – lúa – sếu kết hợp hài hòa trong logo biểu tượng của tỉnh nhà.
Nông dân trong tỉnh cũng được định hướng lấy cây sen làm nền tảng phát triển kinh tế. Các lễ hội như lễ hội Sen trời Nam, lễ hội văn hóa đặc sắc về sen được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị cây sen.
Hiện nay, thủ phủ đất sen hồng, từ nông thôn đến thành thị, sen và các sản phẩm từ sen hiện diện khắp nơi: các sản phẩm trang trí, thức ăn, thức uống, vải lụa… Ngoài ra, còn có hàng chục điểm du lịch lý tưởng từ sen Đồng Tháp, giúp du khách trải nghiệm cánh đồng sen bao la, ngát hương ở các huyện Tháp Mười, Hồng Ngự, Lấp Vò, Tam Nông…
Riêng ở huyện Tháp Mười, diện tích trồng sen khoảng 300ha. Xã Mỹ Hòa có 7 hộ trồng sen phục vụ du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách. Người nông dân bớt nhọc nhằn và trở thành những người kinh doanh giỏi, sáng tạo.
Ông Nguyễn Trường An – một nông dân chuyển sang làm du lịch ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp – cho biết trước đây trồng sen lấy gương lợi nhuận bấp bênh, từ khi chuyển 3ha sen kết hợp làm du lịch sinh thái, tận dụng hạt sen, lá sen, hoa sen bán cho du khách, lợi nhuận tăng đáng kể.
“Đến Khu du lịch cánh đồng sen Tháp Mười, khách tự do lựa chọn một trong nhiều quán mình thích. Bí quyết giữ chân du khách ở đây là sự hiếu khách, thức ăn ngon mang chất đặc trưng của địa phương.
Đặc biệt các món ăn từ sen như: Gà sấy gỏi sen, cá lóc nướng trui cuối lá sen non, cơn chiên lá sen, gỏi sen, chè sen, sinh tố sen… được khách ưa chuộng thưởng thức”, ông An nói thêm.
Ngành hàng chủ lực của tỉnh
Đồng Tháp hiện có khoảng 1.000ha trồng sen 2 vụ/năm, mang lại lợi nhuận khá cao. Những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chế biến, tiêu thụ, chế biến sâu vì thế giá trị của cây sen cũng được nâng lên.
Hiện tỉnh có khoảng 220 sản phẩm từ sen các loại, trong đó 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3-4 sao. Đặc biệt 6 sản phẩm từ sen đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Nam năm 2022, trong đó tranh lá sen của nghệ nhân Bảy Nghĩa (huyện Lấp Vò) là sản phẩm độc đáo, ấn tượng.
Ông Lê Văn Nghĩa (nghệ nhân Bảy Nghĩa, 64 tuổi) sáng tác tranh lá sen từ năm 2017. Đến nay, đã có gần 300 sản phẩm sen bán đi khắp trong và ngoài nước, “bay” đến Mỹ, Pháp, Nga, Hà Lan… thông qua các kênh thương mại điện tử.
Tranh lá sen gồm các thể loại 3D, 2D, gân sen, nguyên lá sen, bụi lá… với khổ 57x67cm, có giá từ 3- 3,5 triệu đồng/sản phẩm.
Theo kế hoạch phát triển ngành hàng sen của tỉnh Đồng Tháp, đến năm 2025 vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung đạt 1.400ha, sản lượng 1.148 tấn; mở rộng sản xuất các giống sen chuyên biệt: phục vụ trang trí, tận dụng tất cả thân sen (hạt, ngó, lá) làm các sản phẩm cao cấp, chiết xuất từ sen.
Tỉnh sẽ phát triển thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và lễ hội Sen; cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các vùng sen nguyên liệu và các sản phẩm chế biến.
Ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp cũng đã tổ chức giới thiệu, cung cấp hơn 500 sản phẩm từ sen; 200 món ăn chế biến từ sen xác lập kỷ lục, thỏa mãn nhu cầu ẩm thực thực khách gần xa.
Thương hiệu và giá trị cây sen cũng được nâng cao, với rất nhiều sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, từ trà sen, sữa sen, hạt sen sấy, cho đến hàng trăm món ăn được sáng tạo quanh cây sen.
Chuỗi giá trị sen Đồng Tháp cũng nổi tiếng với các sản phẩm, như rượu hồng sen tửu, sen sấy, trà tim sen, sữa sen, bột đậu nành hạt sen, bột đậu xanh hạt sen, gạo lức hạt sen…
Các sản phẩm này tạo giá trị kinh tế cao, khẳng định cây sen xứng đáng là một trong những ngành hàng chủ lực của tỉnh và được kỳ vọng sẽ hiệu quả hơn nữa trong những năm tới.
TTO