Chính sách visa cởi mở sẽ tạo giá trị cạnh tranh cho du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2023, thu hút du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Visa – vấn đề tiên quyết
Vốn là chủ một doanh nghiệp chuyên thị trường quốc tế, ông Phạm Hà – Chủ tịch Lux Group, luôn trăn trở với vấn đề visa của khách hàng.
Theo ông, các nước trong khu vực đều cạnh tranh về chương trình visa, trong khi đó Việt Nam chưa có thay đổi gì về chính sách visa trong một năm qua. Ví dụ, Thái Lan điều chỉnh liên tục chính sách visa từ khi mở cửa, mới nhất là cho phép khách du lịch lưu trú tới 45 ngày hoặc 90 ngày, xuất nhập cảnh nhiều lần.
“Chúng ta cần đột phá về chính sách visa, ví dụ như cho phép khách lưu trú 6 tháng đến một năm, tùy độ tuổi hoặc quốc tịch để thu hút khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn”, ông Hà đề xuất.
Trong khu vực, nhiều nước có chính sách thị thực thông thoáng để tăng tính cạnh tranh trên bản đồ du lịch. Ví dụ Singapore và Malaysia miễn thị thực cho công dân từ 162 quốc gia và vùng lãnh thổ; với Philippines là 157, Thái Lan là 64, còn Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan – CEO Flamingo Redtours – cho rằng, Việt Nam cần tăng cường mở cửa chính sách visa với khách quốc tế. Nếu chỉ miễn visa cho phần lớn du khách trong khối ASEAN, ngành du lịch sẽ giới hạn đối tượng khách hàng.
“Để đa dạng hóa thị trường, chúng ta phải xác định mở thêm visa, đơn phương miễn visa nhiều hơn hoặc tạo thuận lợi về visa cho các thị trường. Chỉ có mở visa chúng ta mới có cơ sở tạo giá trị cạnh tranh cho Việt Nam so với các quốc gia khác”, ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) đề xuất Việt Nam nên mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, gia hạn thời gian lưu trú của khách quốc tế lên 30 đến 45 ngày và cho phép gia hạn nhiều lần.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xem xét mở rộng các quốc gia được cấp thị thực điện tử, tên miền website về thị thực nên được thay đổi để tìm kiếm thuận lợi hơn, giao diện thân thiện với khách du lịch quốc tế.
Cần chính sách thực chất
Hướng đến mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023, ông Vũ Văn Tuyên – CEO Travelogy Việt Nam – đánh giá, các địa phương vẫn đang nỗ lực làm mới điểm đến, doanh nghiệp lữ hành dồn dập dựng tour mới, các nhà phát triển du lịch gồng sức xây dựng hàng loạt sản phẩm với quy mô, hấp dẫn…
“Không thể nói các doanh nghiệp không chủ động mà phải chỉ rõ ràng rằng chính sách không đáp ứng được mục tiêu. Nếu Chính phủ không quyết liệt, có chính sách thực chất vực dậy ngành du lịch thì tất cả những nỗ lực nêu trên của doanh nghiệp địa phương coi như đổ sông đổ bể”, ông Vũ Văn Tuyên trả lời Lao Động.
Bên cạnh kiến nghị về visa, CEO này đề xuất ngành du lịch cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế online hay offline, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn với tiết kiệm chi phí nhất.
Đồng thời, đặt trong bối cảnh nhu cầu và thị hiếu của khách quốc tế có nhiều thay đổi hậu COVID-19, công tác quảng bá du lịch Việt Nam cần cung cấp hình ảnh, sản phẩm cá biệt hóa phù hợp với từng thị trường.
Trong khi đó, ông Phạm Hà cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng lộ trình phục hồi tổng thể cho năm 2023, đòi hỏi tất cả bộ ban ngành vào cuộc, trong đó các vấn đề quan trọng cần được giải quyết gồm quản lý điểm đến theo quy chuẩn, định vị lại thương hiệu du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực thiếu và yếu, đồng bộ chuyển đổi số, xây dựng chân du khách du lịch quốc tế đến Việt Nam…
Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số cần một lộ trình đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bởi công tác chuyển đổi số ngành du lịch hiện nay chưa thực sự đi vào hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp.
Ông Phạm Hà đề xuất chuyển đổi số có thể áp dụng từ thủ tục báo cáo của doanh nghiệp, nên thay đổi từ báo cáo giấy sang báo cáo số, triển khai đồng bộ và rộng rãi vé điện tử…
Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỉ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tổng cục Du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt đã đề nghị ngành du lịch cần tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế; tham mưu các vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, kết nối thị trường… làm sao để có chính sách thông thoáng trên cơ sở bảo đảm chủ quyền, khơi thông các điều kiện để thu hút du khách quốc tế tốt nhất.
Theo Laodong