Diễn đàn Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam là dịp để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đưa ra những đề xuất, ý tưởng nhằm góp phần đưa du lịch thành một phần quan trọng của nền công nghiệp văn hóa.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan chỉ ra rằng nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc… khai thác thành công các yếu tố văn hóa để phát triển du lịch. Đây nên được xem là hướng đi mới giúp cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi hậu COVID-19.
Thực trạng
Phát biểu tại diễn đàn, Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa.
Với những chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan, theo ông Nguyễn Trùng Khánh.
Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền…
Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh ‘Ký ức Hội An’’, ‘’Áo dài’’, ‘’Tinh hoa Bắc Bộ’’, ‘’Múa rối nước’’, ‘’À Ố Show’’. Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế.
Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, ‘’Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” và là ‘’Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trùng Khánh chỉ ra rằng việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của đất nước. Đặc biệt là các sản phẩm về công nghiệp văn hóa chưa phát triển nhiều để phục vụ cho nhu cầu du lịch.
Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Trong bối cảnh COVID-19 làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới, các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN, đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy ngành du lịch. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa.
Chỉ ra những khó khăn của thực trạng phát triển du lịch văn hóa tại Việt Nam, ông Vũ Văn Tuyên, Tổng giám đốc Travelogy, cho rằng nếu định hướng phát triển tràn lan, quản lý lỏng lẻo thì việc công nhận xếp hạng các di tích lịch sử, di sản văn hoá dẫn đến sự lộn xộn trong công tác quản lý du lịch, làm thiệt hại cho Nhà nước và những đơn vị kinh doanh du lịch văn hoá chính thống.
Ý thức của người dân và khách du lịch trong bảo vệ du lịch văn hóa còn chưa cao, dẫn đến những tác động xấu cho môi trường văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến mỹ quan của không gian du lịch văn hóa. Nhân lực cho ngành du lịch văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, việc gia tăng lượng khách du lịch văn hóa là một việc đáng mừng, nhưng thực trạng nguồn nhân lực của ngành du lịch văn hóa chưa đủ để đáp ứng cho ngành du lịch.
Đề xuất giải pháp
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đề xuất cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong phát triển du lịch văn hóa sao cho phù hợp để có hiệu quả nhất. “Muốn phát triển du lịch văn hóa trước hết cần quan tâm đặc biệt đến công tác bảo tồn, khôi phục để phát huy được các giá trị của di sản văn hóa”, ông bày tỏ.
Tiếp đó là định hình và xây dựng được thương hiệu của mỗi địa phương, của quốc gia dựa trên các nền tảng văn hóa vốn có; thúc đẩy hoạt động quảng bá, gắn văn hóa với phát triển du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến quảng bá; thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, độc đáo và đa dạng; chú trọng đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch.
Chia sẻ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch văn hoá, PGS. TS. Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch – ĐH Văn hoá Hà Nội, đề xuất cần đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch văn hoá, đặc biệt là nhân lực tại chỗ; chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch văn hoá đảm bảo chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm; nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm du lịch văn hoá cho cộng đồng.
Bà Thủy cũng đưa ra giải pháp đẩy mạnh thu hút thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch văn hoá gồm thống nhất, xây dựng kế hoạch chi tiết về phát triển thị trường và sản phẩm; xác định thị trường cụ thể; đẩy mạnh thu hút thị trường quốc tế; coi trọng thị trường khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó là xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá các thị trường cho từng loại sản phẩm du lịch văn hoá; và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá sản phẩm.