Khám phá đất mũi Cà Mau, du khách đừng quên mua những đặc sản trứ danh dưới đây làm quà.
Ba khía muối Rạch Gốc
Ba khía Rạch Gốc Cà Mau là đặc sản vừa lạ vừa ngon miệng nức tiếng gần xa và chỉ ở vùng Rạch Gốc mới cho chất lượng ba khía ngon nhất. Ba khía là loài giáp xác, thuộc họ cua, sống ở khu vực bãi bồi và tập trung nhiều nhất ở những rặng đước, mắm. Ba khía có quanh năm nhưng nhiều nhất vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 Âm lịch.
Để có được con ba khía muối chuẩn vị phải trải qua nhiều công đoạn và cần cả những bí quyết riêng của người làm nghề. Cách ăn cũng rất đơn giản, chỉ cần trộn ướp với các gia vị như chanh, tỏi, ớt, đường… để thịt bớt mặn và mùi vị thơm ngon, dễ ăn hơn. Còn gì tuyệt vời hơn khi mua vài hũ ba khía muối về làm quà cho gia đình và người thân để thưởng thức đặc sản trứ danh vùng đất mũi Cà Mau.
Bánh phồng tôm Cà Mau
Một sản phẩm được chế biến từ tôm ở Cà Mau là món bánh phồng tôm đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Trong đó, sản phẩm bánh phồng tôm của làng nghề truyền thống ở xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn được xem là lâu đời và nổi tiếng nhất.
Để cho ra thành phẩm chất lượng, khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng. Thịt tôm tươi sau khi được rửa sạch đem xay nhuyễn và trộn đều với bột và gia vị khác. Sau đó bột được tráng như cách thức làm bánh tráng truyền thống.
Bánh chín được lấy ra và phơi ráo, sau đó cắt thành từng miếng hình chữ nhật. Nhờ có tỷ lệ tôm tươi cao trong thành phần nên bánh phồng tôm Cà Mau có hương vị rất khác biệt, khi chiên lên sẽ giòn tan. Bánh phồng tôm Cà Mau không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài.
Khô cá sặc U Minh
Ở xứ U Minh trù phú có rất nhiều đặc sản nức tiếng bốn phương như mật ong rừng, tôm khô, cua… tuy nhiên du khách vẫn bị vấn vương bởi món khô cá sặc giản dị. Điểm khác biệt của loại cá sặc ở Cà Mau là thịt chắc, dai và thơm do sống ở vùng bị nhiễm phèn mặn.
Thịt khô cá sặc ngon nhờ hai yếu tố: chất lượng thịt của cá và bí kíp chế biến. Theo chia sẻ của cơ sở sản xuất, thịt cá dai mềm là do được làm từ cá tươi làm sạch sẽ được ướp đá trước khi ướp muối. Sau đó đem phơi nắng đẹp, để hương vị cá đậm đà, thịt mềm thì chỉ phơi một nắng. Khô cá sặc có thể chế biến thành nhiều món như gỏi cá sặc trộn xoài, khô cá sặc chiên, gỏi dưa chuột cá sặc…
Tôm khô Rạch Gốc
Thương hiệu tôm khô Rạch Gốc từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị riêng biệt và hấp dẫn. Con tôm, con tép nào cũng có thể đem đi làm khô, nhưng ngon nhất vẫn là con tôm Rạch Gốc hoặc Bảy Háp.
Theo kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm, đây là hai loại tôm sinh trưởng trong môi trường nước lợ, cửa sông phù sa màu mỡ nên cho chất lượng tôm cao, khi ăn sẽ ngọt và chắc thịt. Tôm thường được bắt theo con nước ngày rằm và 30 hàng tháng âm lịch.
Tôm khô Rạch Gốc có hai loại: tôm biển và tôm vuông. Tôm vuông có chất lượng tốt hơn góp phần đưa sản phẩm tôm khô ở Cà Mau nổi tiếng gần xa.
Tôm khô là món ngon dân dã, lại dễ chế biến thành nhiều món ăn và thời gian bảo quản được lâu. Tôm khô chính gốc có mùi rất thơm, chỉ cần để tôm trên tay là có thể ngửi thấy mùi, không có mùi tanh, con tôm cứng, vị ngon và ngọt.
Dưa bồn bồn
Có thể nói, cây bồn bồn là hình ảnh đặc trưng của vùng đất Cà Mau. Đây là món ăn dân dã, giản dị nhưng gây thương nhớ sâu sắc với thực khách. Năm xưa dưa bồn bồn được xem là món ăn cứu đói của người nghèo, theo thời gian món ăn này có mặt trong thực đơn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn.
Ngoài việc dùng để ăn sống, nấu canh, bồn bồn còn dùng để làm dưa. Bồn bồn nhổ về, người dân đem sơ chế rồi cho vào hũ, dùng nước cơm vo đã lên men chua đổ vào.
Ngày nay, dưa bồn bồn trở thành đặc sản của Cà Mau, được du khách thập phương tìm mua về làm quà. Từ dưa bồn bồn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như dưa bồn bồn xào tép, thịt kho tàu, cá rô kho tộ, dưa bồn bồn chấm ba khía…
Theo Laodong