– Tổng kết lại năm 2022, ông đánh giá du lịch Việt Nam đã đạt được những thành quả nào?
– Sau hai năm chống chọi với đại dịch, chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam từ ngày 15/3/2022 có thể nói là giải pháp cứu cánh không chỉ đối với ngành Du lịch nói riêng mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nền kinh tế đất nước.
Ngay sau khi mở cửa, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt khách và lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4/2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt khách (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, tăng kế hoạch kinh doanh hè (tăng thêm khoảng 20%) để đáp ứng nhu cầu của du khách, nhiều doanh nghiệp đã đạt gần 70% kế hoạch kinh doanh của cả năm. Trong khi đó, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường.
Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay Quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so với thời điểm trước dịch trừ Moscow (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang…đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Các chặng còn lại như Thành phố Hồ Chí Minh/Hà Nội tới Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn…giá vé cao điểm hè cũng tăng hơn 20% so với các tháng trước đó.
– Tuy nhiên, kế hoạch đón 5 triệu du khách quốc tế chưa đạt mục tiêu. Ngoài chính sách visa còn hạn chế, theo ông còn nguyên do nào khác khiến lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng?
Nguyên nhân khách quan là lượng khách quốc tế phụ thuộc vào chính sách mở cửa của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách của Việt Nam. Hiện nay chính sách phòng chống dịch, mở cửa ở các nước lại khác nhau khi hầu hết thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam). Điển hình, Trung Quốc hiện theo đuổi chính sách “Zero COVID” và đến nay chưa mở cửa du lịch quốc tế. Ngoài chính sách mở cửa, những vấn đề như xung đột chính trị, kinh tế cũng ảnh hưởng mạnh đến các luồng khách du lịch quốc tế giữa các khu vực.
Cần có thời gian để doanh nghiệp kết nối với đối tác quốc tế. Do COVID-19, nhiều đối tác đã thay đổi nhân sự, hoạt động, việc kết nối lại doanh nghiệp cũng có độ trễ.
Hoạt động du lịch quốc tế mang tính thời vụ khá rõ ràng, cao điểm đón khách quốc tế là từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. Tức là “mùa du lịch quốc tế” năm nay của chúng ta mới đi được 1 nửa chặng đường.
Nguyên nhân chủ quan là du lịch Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch tại nước ngoài, việc cấp và giải ngân kinh phí xúc tiến từ ngân sách khó khăn, dẫn đến các hoạt động xúc tiến quốc gia chậm triển khai.
– Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực đang tái khởi động mạnh mẽ sau 2 năm “đóng băng” do dịch Covid-19, các quốc gia đều đang đưa ra những chính sách hút du khách quốc tế, các hoạt động phát động thị trường, xúc tiến quảng bá hết sức mạnh mẽ.
– Vậy trong năm 2023, ngành du lịch sẽ triển khai những hoạt động gì để giải bài toán du khách quốc tế?
– Năm 2022, nhiều sản phẩm du lịch được chú trọng đầu tư, làm mới để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu mới của du khách.
Việc ứng dụng công nghệ được đẩy mạnh, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch, đưa thông tin đến tất cả các khách du lịch có quan tâm đến du lịch Việt Nam. Các kênh bán hàng online phát huy hiệu quả tốt.
Các cơ sở lưu trú du lịch và cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch trong toàn quốc đã tập trung cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang cơ sở, tuyển dụng nhân viên mới để bù vào sự thiếu hụt nhân viên sau thời gian dài đứt gãy, đào tạo tại chỗ nhân viên chưa có nghiệp vụ để có thể phục vụ khách ngay, từng bước cố gắng mở cửa hoạt động phục vụ khách du lịch trong thời gian sớm nhất có thể sau 2 năm phải hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Trong năm 2023, để thu hút và phục vụ khách quốc tế, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai các nội dung sau:
1. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về du lịch. Tận dụng thời cơ, cơ cấu lại các hoạt động du lịch đáp ứng xu thế toàn cầu. Xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch mới trên nền tảng các giá trị văn hóa dân tộc, tài nguyên tự nhiên từng vùng, từng địa phương nhưng bổ sung thêm giá trị mang tính sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin du lịch. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Cung ứng thêm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và cố gắng cá nhân hóa dịch vụ khi phục vụ khách theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm. Thúc đẩy hình thành các liên minh liên kết phát triển du lịch giữa các vùng, địa phương, điểm đến, tăng cường vai trò của khối tư nhân trong hệ sinh thái du lịch; thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch đáp ứng nhu cầu mới của du khách sau COVID-19 và chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng đón khách được ngay khi thị trường quốc tế phục hồi. Tổ chức đào tạo bằng nhiều hình thức và thu hút lao động chất lượng cao nhằm củng cố đội ngũ nhân sự vững về chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng tốt ngoại ngữ. Tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp các cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành.
2. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch. Đổi mới phương thức, công cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Tiếp tục mở rộng thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh, có nguồn khách lớn, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Tăng cường nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế. Triển khai có hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.
3. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch.
– Năm vừa qua, Việt nam có cơ hội tổ chức giải thưởng World Travel Award, một sự kiện du lịch mang tầm quốc tế, quan điểm của ông về các sự kiên quốc tế thế nào?
– Về mặt chủ trương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung, Tổng cục Du lịch nói riêng rất hoan nghênh, sẵn sàng hỗ trợ các sự kiện quốc tế đăng cai tổ chức tại Việt Nam, đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
– Hàn Quốc hiện là thị trường gửi khách đông nhất, ông đánh giá cơ hội phát triển của thị trường này như thế nào? Thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc sắp tới theo ông sẽ có chuyển động ra sao?
Trong năm tiếp theo, khi các điều kiện trao đổi khách thuận lợi hơn, không chỉ Hàn Quốc mà các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. Các thị trường tiếp theo sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định là Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia), Tây Âu, Úc, Mỹ… Bên cạnh đó, các thị trường mới có khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là Ấn Độ và Trung Đông.
Để tăng cường thu hút các thị trường này, du lịch Việt Nam sẽ đầu tư phát triển các phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với thể thao đặc biệt là du lịch golf.
Theo Laodong