Michelle Jana Chan, phóng viên du lịch của tạp chí nổi tiếng Condé Nast Traveler đã chia sẻ cảm nhận của mình trong hành trình khám phá trái tim của Việt Nam bằng tàu hỏa.
Dưới đây là bài viết của Michelle:
Tôi lang thang trên sân ga Đà Nẵng, không khí ẩm ướt dù mới sáng sớm. Một cặp máy bay chiến đấu được sơn màu ngọc lam kỳ lạ đang gầm rú trên đầu, xé toạc bầu trời bằng tiếng nổ siêu thanh của chúng.
Một người bán hàng mời gọi: “Chips, cookies, snack!” (Khoai tây chiên, bánh quy, đồ ăn nhẹ đây!). Tôi lắc đầu và băng qua đường ray khi các đại gia đình kéo những chiếc vali trên mặt đất gồ ghề. Tôi đi bộ về phía tàu và lại thấy mình như một du khách ba lô, tự do tự tại.
Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy gần như suốt chiều dài của Việt Nam. Trong những thập kỷ gần đây, nó đã trở nên ngày càng phổ biến với khách du lịch. Năm 1975, khi Mỹ rút khỏi Việt Nam, nỗ lực khôi phục tuyến đường sắt này là một cách để khởi động nền kinh tế quốc gia, thể hiện năng lực kỹ thuật của đất nước. Đến cuối năm 1976, Việt Nam đã sửa chữa hàng trăm cây cầu, hàng chục đường hầm và hơn 150 nhà ga. Chuyến tàu nối phía bắc Hà Nội với phía nam Thành phố Hồ Chí Minh được đặt tên là Tàu tốc hành Thống Nhất . Đó là con tàu chiến thắng.
Với tư cách là phóng viên khu vực trong nhiều năm, tôi đã lên chuyến tàu này nhiều lần, đôi khi chỉ đi một bến, đôi khi đi bằng vé “ghế cứng” (cách gọi loại vé sử dụng ghế ngồi gỗ). Tôi yêu những hành trình không điều hòa mát mẻ, cửa sổ trượt mở, giữa các toa có những ấm đun nước sôi sủi bọt, những người bảo vệ mặc đồng phục chào các đoàn tàu khi họ rời ga.
The Vietage, thuộc khách sạn Anantara, là một toa tàu đơn đầy phong cách được liên kết với phần cuối của con tàu, đi đoạn đường dài 200 dặm nối thành phố Đà Nẵng và Quy Nhơn. Công ty đã mất bốn năm dài để sắp xếp các giấy phép cần thiết và hiện thực hóa ý tưởng ban đầu.
Trước khi lên tàu, tôi dành hai ngày ở Hội An, một trong những nơi nghỉ dưỡng yêu thích của tôi ở Đông Nam Á. Tôi liên lạc với những người bạn cũ và làm quen với những người bạn mới.
Đó là một thị trấn ven sông xinh đẹp, rợp bóng cây với nhiều quán cà phê và phòng trưng bày nghệ thuật, nơi đã thu hút một cộng đồng người nước ngoài đông đảo. Khi ở đó, tôi kết nối với nghệ sĩ Nhật Bản Saeko Ando, chúng tôi biết nhau qua một người quen. Cô sử dụng sơn mài tự nhiên trong những bức tranh đầy tâm trạng, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, mượn một kỹ thuật cổ xưa của Việt Nam.
Ando mời tôi ăn tối, với bạn của cô ấy là Elka Ray, một tiểu thuyết gia người Canada sống bên bờ biển, trên một con đường quanh co nhỏ xinh. Cả hai người phụ nữ đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm, bị quyến rũ bởi nhịp sống chậm rãi nơi đây.
“Việt Nam là nhà”, Ray nói, “Nhưng tôi sẽ không ở lại nếu nơi này trở nên quá nhộn nhịp, ồn ào và đông đúc“.
Sáng hôm sau, tôi lang thang vào phòng trưng bày của nhiếp ảnh gia mỹ thuật người Pháp có tên Réhahn. Anh đã dành cả thập kỷ qua để chụp ảnh các dân tộc Việt Nam. Có 50 dân tộc, bao gồm Dao, Nùng, H’Mông… trên khắp đất nước. Réhahn thành lập một bảo tàng ở Hội An trưng bày dự án này. Anh ấy hiện bận rộn chụp lại hình ảnh các nghệ nhân truyền thống, những người có tay nghề và kỹ năng mà anh ấy lo sợ rằng sẽ biến mất trong thế hệ sau này.
Nhiếp ảnh gia giới thiệu tôi với nghệ nhân làm đèn lồng 90 tuổi Huỳnh Văn Ba. Ông nói với tôi rằng đêm nào ông cũng mơ về những mẫu đèn mới. Khi tôi hỏi về việc truyền lại các kỹ năng của mình, ông ấy nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt trong veo và nói rằng các con của ông ấy không hứng thú lắm.
Réhahn cũng sắp xếp cho tôi đến thăm bà Bùi Thị Xong, một bà lão đánh cá ngoài tám mươi tuổi, đưa tôi đi thuyền trên sông, đứng trên mũi thuyền khi bà chèo thẳng đứng chỉ bằng một mái chèo. Bà ấy nói đùa rằng dù thính giác và thị lực bị suy giảm, không còn chiếc răng nào, nhưng bà ấy vẫn có thể chèo thuyền.
Sáng hôm sau, tôi thu dọn hành lý và hai nhân viên của Anantara chở tôi đến ga xe lửa ở Đà Nẵng, nằm ngay dưới vĩ tuyến 17 và từng là ranh giới giữa Bắc và Nam Việt Nam. Nhìn từ bên ngoài, toa xe của The Vietage trông giống như mọi toa khác, với màu sơn sọc đỏ-trắng-xanh.
Nhưng khi bước vào bên trong, qua những cánh cửa thép nặng nề, tôi thấy có nửa tá vách ngăn với những bộ bàn ghế bọc nệm, ánh sáng mặt trời lọt qua những lỗ nhỏ hình lục giác của màn che. Quang, người quản lý tàu, chỉ cho tôi chỗ ngồi và gợi ý một ly cà phê đá đi kèm với bánh sừng bò nóng hổi và nho khô. Có thực đơn bữa trưa, wifi tốc độ cao, chăn mềm và gối kê cổ.
Khi chúng tôi ra khỏi nhà ga, một người bảo vệ vẫy cờ một cách nghiêm khắc, và tôi quan sát những người bán hàng di chuyển xe đẩy của họ ra khỏi đường ray. Từ vị trí thuận lợi, chúng tôi vượt qua những toa tàu rỉ sét, những ống khói và lá cờ Tổ quốc màu đỏ phổ biến với ngôi sao vàng năm cánh phấp phới. Khi đô thị mở rộng, cảnh quan biến thành những cánh đồng lúa xanh mướt màu diệp lục, những ngọn giáo đồ họa thẳng đứng đánh lừa thị giác khi chúng tôi lướt qua. Những người nông dân với chiếc nón lá đã tạo nên một hình bóng thuần túy của Việt Nam, trồng ra những chồi non bằng chính đôi tay, công việc nặng nhọc. Bên phải tôi là những ngọn núi có rừng, một số bị cắt làm đôi do hoạt động khai thác; bên trái tôi là biển.
Chúng tôi đang đi qua khu vực của người Chăm. Vào thời hoàng kim, họ là đối thủ chính của người Khmer. Có những bức phù điêu tại một ngôi đền Angkor ở Campuchia mô tả trận hải chiến vào thế kỷ 12 giữa hai bên. Người Chăm là những nhà hàng hải đáng gờm và chỉ huy một mạng lưới thương mại hàng hải từ Indonesia đến Nhật Bản. Các nhà khảo cổ đã xác định được nhiều thành quách và đền thờ dọc theo bờ biển Việt Nam, cũng như khắp các vùng núi của Lào và Campuchia.
Trong vài giờ tới, chúng tôi băng qua sông, nơi có xà lan chở gạo chen lấn giữa những con đò. Tôi ngắm nhìn ngư dân tung lưới, có những ao hồ nhân tạo với đàn vịt xúm xít dưới bóng cây, những cánh đồng sen rợp bóng, những cánh hoa hồng rực rỡ nhô lên khỏi bùn lầy. Chúng tôi cũng di chuyển qua các thị trấn, với những ngôi nhà buôn bán bằng bê tông và những đống rác gia đình đang cháy âm ỉ ở sân sau. Tại các điểm giao cắt với đường sắt, tôi nghiên cứu tình hình giao thông: xe máy quá tải, xe tải khổng lồ kéo container vận chuyển, xe khách hai tầng. Tốc độ tối đa của tàu là khoảng 45 dặm một giờ.
Vào một thời điểm nào đó giữa bữa sáng và bữa trưa ba món, Tiên, một tiếp viên khác, hỏi tôi có muốn mát-xa vai trong khoang điều trị không. Sau khi điều trị xong những vấn đề ở cổ, tôi đi đến quầy bar hình móng ngựa và giữ thăng bằng trên một chiếc ghế đẩu cao, ngắm nhìn cuộc sống nông thôn trôi qua trước mắt: những cánh đồng ngô rộng lớn, một số bị bỏ hoang, một số khác bị trâu cày. Có những cụm bia mộ, cái lẻ loi giữa đồng lúa.
Sau bữa trưa, tàu cập cảng Quy Nhơn, ngồi xe thêm một khoảng thời gian ngắn nữa đến khách sạn.
Tôi chia thời gian của mình ở Quy Nhơn giữa hai khách sạn và tôi nhờ những nhân viên hướng dẫn giúp tìm hiểu về vùng đất này.
Một ngày nọ, lái xe vòng quanh với hướng dẫn viên, tôi đến thăm những di tích Chăm đầy ấn tượng, bao gồm tháp Dương Long, một bộ ba tháp hình hoa sen, hướng đông, ít được biết đến, cái trung tâm cao gần 80 feet.
Khi chúng tôi đến, cổng đã khóa và không có ai xung quanh. Hướng dẫn viên của tôi gọi người bảo vệ sống gần đó đến để cho chúng tôi vào. Khi đã vào trong, tôi đi lang thang quanh khu đất trống, xem xét những công trình gạch đỏ phủ đầy rêu và nhìn lên những cái cây mọc lên từ vết nứt của tòa tháp. Sau đó, tôi gặp gỡ các nghệ nhân truyền thống, bao gồm những người thợ làm nón thế hệ thứ tư và một gia đình đan lưới bẫy cá bằng mây. Hôm khác, tôi đi nhà thuyền ở khách sạn Bãi San Hô xuôi theo bờ biển, thả neo lặn giữa những rạn san hô.
Vào buổi sáng cuối cùng của tôi, tôi đến thăm một thầy bói nổi tiếng. Bà ấy nói với tôi rằng tôi là khách hàng thứ 10 của bà ấy hôm nay. Bà ấy cảnh báo tôi không nên đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào có thể thay đổi cuộc đời. “Hãy tiếp tục đi”, bà ấy nói khi thấy tôi quay đi, “Bạn sẽ luôn được đi du lịch an toàn”.
Theo Laodong