Làng nghề 400 năm mang dấu ấn phố Hội
Nhắc Hội An là hình ảnh những ngôi nhà cổ với màu vàng đặc trưng nằm bên sông Hoài sẽ hiện ngay trong đầu của bất kỳ ai. Ở đó, những đêm rằm khi phố phường tắt đèn, chỉ còn lại ánh sáng từ chiếc đèn lồng lung linh trong không gian hoài cổ cùng tiếng hát dân ca ngọt ngào. Ở đó, chiếc đèn lồng Hội An như một hình ảnh, tín hiệu để mở ra một không gian phố cổ sẵn sàng chào đón mọi du khách. Và như một điều mặc định, ở đâu có đèn lồng cùng bức tường vàng, ở đó có không gian Hội An.
Không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu, mang đến vẻ đẹp rất riêng cho phố cổ Hội An, đèn lồng còn được biết đến là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tuổi đời trên dưới 400 năm của người dân nơi đây. Khác với đèn lồng các nước được làm bằng giấy, có màu trắng, đỏ là chính, đèn lồng Hội An có đủ màu sắc và được làm bằng vải.
Nhiều người như chị Trần Thị Minh Tuyền, cơ sở làm đèn lồng Minh Hiền (04 Cao Hồng Lãnh, TP Hội An) đã lớn lên cùng với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc rực rỡ khi gia đình nhiều thế hệ theo nghề làm đèn lồng. Chị Tuyền cho biết, đèn lồng làm quanh năm, nhưng mỗi dịp Trung Thu, Tết Nguyên đán thì được đặt mua nhiều hơn cả. Thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhiều gia đình làm đèn lồng vẫn nhận được nhiều đơn đặt hàng, chứng tỏ sự ưa chuộng của khách hàng với sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hội An là rất lớn.
Đèn lồng Hội An được làm bằng tre, bọc vải. Những nguyên liệu nghe quen thuộc nhưng để làm được một chiếc đèn lồng lại cần bàn tay khéo léo của người thợ lâu năm. Chị Nguyễn Thị Minh Trang, người có kinh nghiệm và gắn bó với nghề làm đèn lồng Hội An hơn 20 năm cho biết, một chiếc đèn lồng cần hai khâu chính đó là làm khung và bọc vải.
Tre làm đèn lồng phải là tre già ngâm với nước muối để chống mối, mọt, sau đó phơi khô, vót mỏng tuỳ theo kích cỡ của từng loại đèn. Sau này, để phục vụ cho những sự kiện phải di chuyển nhiều, trưng ngoài trời cần sự chắc chắc, khung đèn lồng được làm bằng kim loại để dễ dàng gập lại khi cần. Đối với những đèn lồng đơn giản cần có sự cân đối ở hai đầu, còn các đèn lồng phức tạp cần có sự khéo léo cố định những vị trí lồi, lõm và phải đảm bảo tính hài hòa, tỉ lệ của hình dạng.
Vải bọc đèn lồng Hội An phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, gấm có độ dai để khi căng dán lên khung tre không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để ráp, làm thẳng góc ở những đoạn cong. Vì vậy, chiếc đèn lồng khi hoàn thành nhìn rất mềm mại, nhưng lại chắc chắn. Sau khi dán xong, người thợ sẽ cắt tỉa và chỉnh lại các mép vải ở các cạnh khung. Nếu như khâu làm khung thường do đàn ông thực hiện, thì khâu bọc vải lại chỉ có phụ nữ bởi nó đòi hỏi sự tỉ mẩn, khéo léo cao.
Khi hoàn thành hai công đoạn chính, người làm đèn lồng còn tùy theo hình dạng của đèn lồng để bổ sung những công đoạn phụ để hoàn thiện sản phẩm như kết tua đèn, làm móc treo đèn, gắn chuôi đèn lồng. Đèn lồng Hội An còn có thể được đặt vẽ hay trang trí theo yêu cầu của khách hàng.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, đèn lồng Hội An bây giờ có nhiều kích cỡ, hành dạng, màu sắc, mẫu mã từ đơn giản như hình tròn, hình lục giác, bát giác… Tại phường An Hội, bên kia sông Hoài, những cửa hàng bán đèn lồng luôn là địa điểm hấp dẫn với du khách.
Hàng trăm chiếc đèn lồng được các chủ cửa hàng bật sáng, con đường bình thường cũng trở nên lung linh. Gần đây, một số cửa hàng đã mở hẳn khu vực trang trí đèn lồng để người dân, du khách đến tham quan, chụp ảnh. Không ít du khách phải lòng Hội An, đi rồi lại đến như một chốn thăm hàng năm.
Lung linh sắc màu phố Hội giữa trời Tây
Góp mình tạo nên không gian phố cổ Hội An vang danh đến hôm nay, đèn lồng Hội An nay còn được đưa ra với thế giới. Năm 2023, lễ hội đèn lồng tại Đức sẽ được tổ chức lần thứ 3, TP Hội An mang những chiếc đèn lồng đủ sắc màu đến với nước bạn. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm Văn hoá – Thể thao Hội An cho biết, đây là một trong những nội dung hoạt động thường xuyên giữa hai thành phố với mục đích hợp tác quảng bá hình ảnh của văn hóa con người Hội An đến với nước bạn. Đối với sự kiện năm tới, trung tâm đã bắt đầu xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị.
Lễ hội dự kiến sẽ bao gồm những nội dung chính là các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống để giới thiệu những nét đặc trưng vốn có của Hội An đến với bạn bè. Bên cạnh đó, lễ hội sẽ có không gian trưng bày triển lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng như là đèn lồng từ tre, các sản phẩm từ mộc, gốm; không gian ẩm thực trình diễn món ăn ẩm thực của Hội An như cơm gà, cao lầu, bánh mỳ…. Ngoài ra, Hội An sẽ làm một vườn Hội An tại công viên của TP Wernigerode, ở đây sẽ được bố trí không gian trưng bày lưu niệm đồng thời là không gian dừng chân cho du khách nhưng cũng là mang dấu ấn của Hội An.
Bà Cẩm chia sẻ, qua nhiều lần tổ chức, lễ hội là một trong những sự kiện thu hút một lượng lớn khách tham quan đến với TP Wernigerode Đức. Đặc biệt, không chỉ phục vụ cho du khách là người địa phương tại Đức, kiều bào người Việt tại Đức cũng xem đây như một ngày hội để gặp gỡ bạn bè, thưởng thức hương vị ẩm thực, các chương trình nghệ thuật quê nhà.
“Qua hai lần tổ chức, lễ hội quy tụ gần như toàn bộ người Việt ở Đức và trở thành không gian văn hóa của người Việt ở Đức, là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu. Đồng thời các chương trình biểu diễn của mình phối hợp với Hội Đồng hương ở Đức cũng có những chương trình giao lưu rất đặc sắc.
Sau dịch COVID-19, số lượng khách quốc tế đến Hội An vẫn còn hạn chế, chúng tôi xem đây là cơ hội để quảng bá du lịch nhưng hơn hết, việc mang không gian văn hoá Việt Nam đến bạn bè và người Việt tại Đức là điều khiến mỗi người thực hiện lễ hội đều cảm thấy vinh dự, tự hào. Đèn lồng là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hội An. Hễ nói tới Hội An, mọi người sẽ nghĩ ngay đến đèn lồng. Trong không gian của TP Wernigerode, khi trang trí những chiếc đèn lồng và thắp sáng lên đã mang lại hình ảnh rất lung linh. Chính du khách tại Đức cũng đã công nhận sự hấp dẫn của những chiếc đèn lồng Hội An, để rồi ngay sau khi kiểm soát được dịch, phía bạn đã đề nghị thực hiện và họ đang rất mong chờ lễ hội” – bà Cẩm cho hay.
Vậy là, nếu đèn lồng với người Hội An là một nghề, một miền tuổi thơ là quê hương thì khi bước ra thế giới, ánh sáng lung linh của chiếc đèn lồng đầy màu sắc đã mang trọn cả những tình cảm ấy đến với bạn bè quốc tế. Những ngày này, dọc phố cổ những ngày rằm, Lễ, Tết buổi tối không có ánh điện mà rực rỡ, lung linh ánh sáng đèn lồng. Dù là đêm nô nức khách hội hay yên lặng như ngày thường, từng chiếc đèn lồng xanh đỏ vẫn góp ánh sáng của mình tạo nên không gian rất riêng bên những căn nhà, con đường phổ cổ của Việt Nam. Nơi mà ai đã đến một lần có thể sẽ nhớ mãi.
Theo: Lao dong