Không chỉ là quê hương của những làn điệu quan họ say đắm lòng người, Bắc Ninh còn là cái nôi của nền Phật giáo Việt Nam gắn liền với những ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng trăm năm.
1. Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích còn gọi là Vạn Phúc Tự, được xây dựng từ năm 1057, dưới thời nhà Lý. Ngôi chùa sở hữu những công trình nổi tiếng như bức tượng Phật A Di Đà cao 27m nằm trên đỉnh núi từ thời nhà Lý, hay Tháp Quang Phổ đậm dấu ấn lịch sử. Nơi đây còn nhiều sảnh thờ đầy nét cổ kính và rất yên bình.
Với những giá trị lịch sử – văn hóa to lớn mà chùa Phật Tích sở hữu, năm 1962, Bộ Văn hóa đã ban hành Quyết định công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử- Văn hóa.
Địa chỉ: núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
2. Chùa Dâu
Chùa Dâu được coi là công trình văn hóa tín ngưỡng có giá trị lịch sử về văn hóa hết sức lớn lao và sâu sắc, bao gồm giá trị lịch sử văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và kiến trúc nghệ thuật.
Chùa gồm 4 dãy nhà liên kết với nhau tạo thành hình chữ nhật, bao quanh tiền đường, thượng điện và thiên hương. Nổi bật nhất ở đây là tháp Hoà Phong cao 17m xây bằng gạch cỡ lớn, bên trong có chuông đồng, khánh đồng. Cùng với một số chùa lân cận, chùa Dâu tạo nên một trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam và khu vực.
Địa chỉ: xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
3. Chùa Bút Tháp
Chùa Bút Tháp còn có tên là Ninh Phúc Tự, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về hướng Đông. Bút Tháp là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo, có lịch sử gần 800 năm, là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Trải qua 5 lần trùng tu, kiến trúc của chùa vẫn được giới chuyên môn đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
Điều độc đáo của chùa Bút Tháp mà không đâu trên đất nước Việt Nam có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá, có tên là tháp Báo Nghiêm, giống như cây bút khổng lồ nổi bật giữa vùng đồng bằng rộng lớn.
Địa chỉ: thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
4. Chùa Tiêu
Từ lâu chùa đã nổi tiếng là chốn tu thiền và là một trong những trung tâm Phật giáo cổ của Việt Nam. Chùa Tiêu là nơi thờ Thiền sư Vạn Hạnh, người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau này khai lập vương triều nhà Lý.
Nơi đây có vườn tháp cổ, nơi đặt 14 bảo tháp thờ các vị sư đã từng trụ trì tại chùa. Không những vậy, ngôi chùa này còn gây ấn tượng với lối thiết kế cổ kính mang đậm nét kiến trúc của thời nhà Lý.
Năm 1991, chùa Tiêu được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.Địa chỉ: Phường Tương Giang, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
5. Chùa Hàm Long
Chùa Hàm Long được dân gian gọi là ngôi chùa nằm ở thế hàm rồng, với những cây cổ thụ cả trăm năm tuổi, cách Hà Nội khoảng 40km.
Chùa được lập ra năm 1115, vào thời nhà Lý bởi Hòa thượng Trịnh Thập. Sở dĩ có tên Hàm Long vì có núi Thần như một chiếc án thư che chắn cho ngôi nhà phía trước, bao bọc xung quanh là các ngọn núi Phụng Hoàng, Kỳ Lân, núi Rùa.
Chùa có kiến trúc cổ kính với những ngôi tháp rêu phong và mái chùa phủ màu thời gian, song vẻ u tịch của nó lại trái ngược hoàn toàn với cảnh đông đúc tấp nập của khách thập phương đến lễ chùa, cầu bình an. Hội chùa thường diễn ra vào ngày 14.2 âm lịch, năm 1988 chùa Hàm Long được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Địa chỉ: phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
6. Đền Đô
Đền Đô hay còn được gọi là Đền Lý Bát Đế, đây là nơi thờ tự 8 vị vua nhà Lý. Tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa song ngôi đền này vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kết hợp giữa phong cách cung đình và dân gian.
Đặc biệt, bên trái cổng chính của Đền ghi bức cuốn thư “Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ với đúng 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý. Bên phải là bài thơ “Nam quốc sơn hà” hào hùng được coi như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Đền Đô được Chính phủ công nhận là di tích lịch sử – văn hóa ngày 25/1/1991. Năm 2014, nơi đây cùng với các khu lăng mộ của các vua nhà Lý đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Địa chỉ: Phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
7. Chùa Linh Ứng
Chùa Linh Ứng hay còn gọi là chùa Ngọc Khám là một trong những danh lam cổ Tự có quy mô lớn trong vùng. Chùa được khởi công xây dựng ở thời Trần, tuy nhiên thời kì kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn sót lại 3 bức tượng đá. Chùa Ngọc Khám hiện nay được tái dựng lại trên nền chùa cũ vào năm 1986, gồm các công trình như: Tam Bảo, Tam Quan và hai dãy nhà hành lang, mỗi bên 6 gian.
Sau nhiều lần chùa bị phá hủy, 3 pho tượng Tam thế được tạc bằng chất liệu đá xanh vẫn còn nguyên vẹn. Văn bia tại chùa ghi lại rằng, tượng Tam Thế chùa Linh Ứng được tạo tác vào thế kỷ XVII, thời vua Lê Trung Hưng có chiều cao cả bệ khoảng 2,7m. Ba pho tượng đá cổ xưa và khu di tích chùa Linh Ứng ngày nay đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa từ năm 1981, đến cuối năm 2013, 3 pho tượng đá Tam thế đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Địa chỉ: Thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo : Laodong