Ngày 7/7/1962, theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập “Khu rừng Cúc Phương” (nay là Vườn quốc gia Cúc Phương).
Vườn quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Nơi đây đồng thời là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng nhiều hang động ẩn chứa những chứng tích văn hóa lịch sử lâu đời.
Nếu là người yêu thích thiên nhiên, rừng Cúc Phương sẽ là một lựa chọn đáng để cho bạn trải nghiệm. Dưới đây là các địa điểm, hoạt động nhất định phải khám phá khi bạn đến với vườn quốc gia Cúc Phương.
Tham quan vườn thực vật Cúc Phương
Vườn quốc gia Cúc Phương rộng 22 nghìn ha, là một trong những viên ngọc quý về sinh thái rừng trên thế giới, đã 3 năm liền (2019-2021) được Tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Hệ sinh thái rừng ở đây vô cùng phong phú và đa dạng, là điểm có rừng mưa nhiệt đới nên thời tiết khá mát mẻ, trở thành nơi sinh sống của nhiều loại động vật quý hiếm, điển hình như voọc mông đen trắng.
Vườn Quốc gia Cúc Phương nổi tiếng vì tính đa dạng các loài thực vật. Ảnh: Vườn quốc gia Cúc Phương – Cuc Phuong National Park
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật
Nếu có dịp tham quan rừng Cúc Phương, du khách có thể ghé địa điểm này để tận mắt chứng kiến nhiều loài linh trưởng và có thêm kiến thức về các động vật, đây là nơi nuôi dưỡng và bảo tồn nhiều loài linh trưởng.
Vườn Quốc gia Cúc Phương từ lâu là trung tâm nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo tồn động thực vật trong nước và quốc tế. Theo điều tra, có đến 2234 loài, thuộc 931 chi, 231 họ thực vật. Trong đó có đến 430 loài cây thuốc, 229 loài cây ăn được, 57 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.
Cúc Phương được coi là “ngôi nhà” chung của các loài linh trưởng. Ảnh: Trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa Việt
Bảo tàng Cúc Phương
Bảo tàng được xây dựng phục vụ cho việc lưu giữ và bảo quản mẫu của nhiều loại côn trùng, động thực vật, hiện đang lưu giữ 122 mẫu ngâm, 82 mẫu động vật, 2900 mẫu côn trùng các loại, hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.
Nơi đây cũng là địa điểm nghiên cứu, tham khảo mẫu vật quan trọng cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn, thực vật, động vật thăm quan và học tập.
Bảo tàng Cúc Phương nằm trong khuôn viên của Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Ảnh: Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình
Đỉnh Mây Bạc
Đỉnh núi có độ cao 648m, từ đỉnh du khách có thể ngắm nhìn bao quát toàn cảnh khu vườn quốc gia cùng với cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính.
Trải nghiệm chinh phục đỉnh Mây Bạc, bạn sẽ được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp, bao la của rừng. Ảnh: Du lịch Ninh Bình
Hồ Yên Quang
Hồ Yên Quang là hồ nước ngọt ven núi nằm trên địa bàn xã Yên Quang, huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình, tiếp giáp với Vườn quốc gia Cúc Phương. Đây là một trong những hồ nước lớn nhất ở Ninh Bình với diện tích 300 ha và trữ lượng nước 5,6 triệu m3.
Khung cảnh yên bình tuyệt đẹp của hồ khiến du khách thích thú và cảm thấy được thư giãn. Ảnh: Ninh Bình quê hương tôi
Bản người Mường
Trong khu vực địa phận Cúc Phương có một bản làng của cộng đồng người Mường với nếp sinh hoạt độc đáo. Ghé đến đây, du khách có thể check-in ở các khu nhà sàn, khung dệt thổ cẩm hay ruộng bậc thang.
Trải nghiệm khám phá văn hóa tại bản người Mường thu hút du khách. Ảnh: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch – Sở Du Lịch tỉnh Ninh Bình
Khám phá các hang động tiền sử
Động Người Xưa, Hang Con Moong, Hang Mang Chiêng, động Trăng Khuyết… là những hang động nổi tiếng, nơi lưu giữ những dấu tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là một di sản quý của vườn Cúc Phương.
Nhiều du khách yêu thích thám hiểm thường lựa chọn các hang động tại Cúc Phương để khám phá. Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Nho Quan
Săn bướm rừng Cúc Phương
Mùa bướm rừng Cúc Phương rơi vào khoảng tháng 5. Vào thời điểm này, số lượng cá thể bướm lên tới hàng nghìn con tạo nên một khung cảnh vô cùng độc đáo, lạ mắt. Đây cũng là một trong những đặc điểm du lịch điển hình níu chân du khách đến với rừng Cúc Phương.
Theo laodong