04/04/2023adminVề Bình Phước tìm cội nguồn của “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo”Sóc Bom Bo ngày nay không những là di tích kháng chiến mà còn là một địa điểm du lịch về nguồn không thể bỏ qua nếu có dịp đến Bình Phước. Gắn với lịch sử thời kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh bà con Sóc Bom Bo ngày đêm giã gạo nuôi quân được viết trong bài hát nổi tiếng “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Ngày nay du khách có thể tìm đến Khu bảo tồn Sóc Bom Bo nằm ở thôn 1 xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước để tìm hiểu về nguồn cội của ca khúc này. Cách trung tâm huyện Bù Đăng khoảng 12km, Khu bảo tồn Sóc Bom Bo có tổng diện tích 113 ha, khởi công xây dựng năm 2011, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 năm 2015. Công trình có những hạng mục cơ bản như: nhà đón tiếp, sân lễ hội, hai nhà dài truyền thống dân tộc S’tiêng, và bốn làng nghề truyền thống. Trong khu nhà trưng bày các hiện vật thể hiện sống động cuộc sống và câu chuyện lịch sử hào hùng của đồng bào S’tiêng ở Sóc Bom Bo anh hùng. Bước vào phòng trưng bày, du khách sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi các hiện vật được đặt tại đây. Từng nét văn hóa mới lạ, mang đậm bản sắc văn hóa người đồng bào S’tiêng được khắc họa rõ hơn qua những vật dụng sinh hoạt đời thường. Trên ảnh là bộ đàn đá do cố nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu tặng khu bảo tồn vào năm 2020. Cối giã gạo bằng thân cây. Đây là sáng tạo của bà con Sóc Bom Bo. Ngày đêm giã gạo nuôi quân nhưng không đủ cối, bà con lên rừng chặt cây to về khoét ruột làm cối, góp phần tăng năng suất. Một số trưng bày mô tả cuộc sống thường nhật của bà con như cảnh bà con lên rừng hái lượm, săn bắt bằng cung tên tự chế từ cây lồ ô, trang sức của phụ nữ, và cồng chiêng Tây Nguyên. Những vật dụng này được trưng bày tại nhà đón tiếp, giúp du khách có cái nhìn cụ thể hơn về văn hóa sinh hoạt, những đồ vật mang tính lịch sử trong thời kỳ kháng chiến của đồng bào nơi đây. Từ nhà trưng bày, tiếp tục di chuyển lên đỉnh núi cách khoảng 300m du khách sẽ đặt chân tới khu vực nhà dài và sân lễ hội. Đây là 2 nhà dài truyền thống được phục dựng, và sân lễ hội cho du khách tham quan và tổ chức các hoạt động tập thể. Nhà dài truyền thống của người dân tộc S’Tiêng có diện tích 178m2, bên trong trưng bày các hiện vật, vật dụng sinh hoạt thường ngày của người dân tộc S’Tiêng. Điểm đặc biệt của ngôi nhà là thiết kế dễ dàng cơi nới, để khi gia đình có thêm nhiều thành viên thì các thế hệ vẫn cùng chung sống. Bộ đàn đá nặng 20 tấn do cố nghệ nhân Trương Đình Chiếu trao tặng được bố trí trang trọng quanh sân lễ hội. Để diễn tấu bộ đàn đá này cần có 4 người biểu diễn cùng lúc, đây là điểm nhấn thú vị trong trải nghiệm tham quan khu bảo tồn. Vào những dịp đặc biệt, lửa trại sẽ diễn ra ngay trên sân, xung quanh là đội văn nghệ Khu bảo tồn với những điệu múa mềm mại, trên giai điệu của bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Không khí se lạnh về đêm cùng ánh lửa bập bùng, mùi vị thơm đặc trưng từ lá rừng trong rượu cần hòa quyện đêm đến trải nghiệm tuyệt vời với du khách. Kết thúc chuyến đi, du khách có thể mua những món đồ nhỏ xinh, hay các đặc sản truyền thống để kỉ niệm chuyến đi từ gian hàng trưng bày ở khu vực sân lễ hội. Khu bảo tồn sóc Bom Bo là điểm du lịch về nguồn, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Theo Laodong