Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tình hình hoạt động của ngành du lịch sau một năm mở cửa.
Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Năm 2020, cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, công suất buồng bình quân cả nước chỉ đạt 20%; 52% lao động du lịch mất việc làm; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 57,8% so với năm 2019.
Từ tháng 11.2021, Việt Nam bước đầu thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đón khoảng 3.800 lượt khách quốc tế, phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách nội địa. Công suất buồng bình quân ước đạt khoảng 5%, chỉ 25% lao động du lịch được tham gia công việc toàn thời gian. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ 2020.
Ngày 15.3.2022, Việt Nam chính thức mở lại hoạt động du lịch. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, kể từ khi mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tích cực phối hợp, đồng bộ triển khai các hoạt động phục hồi, phát triển du lịch.Về cơ chế chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam đã khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh như trước khi có dịch; áp dụng giao dịch điện tử trong xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho người nước ngoài.
Về truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện, ngành du lịch chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội du lịch tổ chức nhiều sự kiện nhằm phát động, công bố mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới và truyền thông thông điệp “Sống trọn vẹn tại Việt Nam” trong giai đoạn mở cửa thị trường.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Tổ chức chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số với khẩu hiệu “Việt Nam: Đi để yêu!” bằng 02 ngôn ngữ tiếng Việt – tiếng Anh.
Du lịch Việt Nam triển khai các hoạt động, xúc tiến quảng bá gắn với các sự kiện quốc tế, gần đây là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức. Bên cạnh đó là Tuần văn hoá và Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm như Hàn Quốc; Nhật Bản; Ấn Độ…
Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành Du lịch, thị trường du lịch năm 2022 đã dần khôi phục trở lại, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm 2022. Tuy nhiên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra.
2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại. Thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.
Bộ trưởng phân tích một số nguyên nhân chính gồm:
Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của COVID-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới chưa chủ động, còn chậm.
Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song vẫn còn khiêm tốn so với các nước cạnh tranh trực tiếp trong khu vực.
Thứ ba, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch thể thao ngoài trời, trên không, dưới nước chuyên nghiệp chưa có hoặc còn thiếu khung pháp lý cũng là rào cản để Việt Nam có thêm những sản phẩm mới, độc đáo, đa dạng hơn.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh trên, ngành Du lịch đặt ra các mục tiêu, năm 2023 đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 102 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch: khoảng 650 nghìn tỉ đồng.
Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ du lịch là 6 – 8% trong GDP. Nhu cầu buồng lưu trú: khoảng 1,1 triệu buồng. Hướng đến tạo 5,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 1,8 triệu việc làm trực tiếp trong ngành du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số giải pháp như:
Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển Vùng.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (Thông báo số 05/TB-VPCP ngày 06/1/2023), huy động tối đa nguồn lực xã hội, sự chuyên nghiệp của các tập đoàn lớn về du lịch để cùng nhau giới thiệu, quảng bá hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển” đến với nhiều du khách tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.
Triển khai tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia 2023 – “Bình Thuận – Hội tụ xanh” và chuỗi các hoạt động hưởng ứng của các địa phương trong toàn quốc nhằm xây dựng và tạo điểm nhấn về sản phẩm, dịch vụ phục vụ các hoạt động quảng bá, xúc tiến hàng năm của Du lịch Việt Nam.
Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hoá thị trường, tập trung xúc tiến quảng bá theo chiến dịch trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu du lịch trên cơ sở kết quả nghiên cứu thị trường. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công An nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai Đề án “Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06”.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.
Theo Laodong