Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng phát triển xanh, số hóa du lịch là xu thế trong dài hạn.
Du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn trải nghiệm du lịch gắn với văn hóa địa phương, hình thức du lịch gắn với thiên nhiên. Ngày càng nhiều du khách, đặc biệt là người trẻ, tìm hiểu điểm đến, đặt các dịch vụ phòng nghỉ, đi lại qua mạng.
Ông Đỗ Hùng Việt cho rằng ngành du lịch cần có những website đa ngôn ngữ, giới thiệu đồng bộ về các điểm đến của Việt Nam, cung cấp các thông tin hữu ích và các gói dịch vụ linh hoạt, có thể thay đổi, hoãn, huỷ dịch vụ.
“Để phát triển du lịch bền vững, các nước tập trung đầu tư và xanh hoá các cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, khuyến khích chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực. Tây Ban Nha, Na Uy, Đức nâng cấp hạ tầng như sân bay, cảng biển, khách sạn. Hy Lạp, Israel có chính sách đào tạo nhân lực ngành du lịch cả về chuyên môn, ngoại ngữ. Hàn Quốc, Bahrain đẩy mạnh hợp tác công-tư trong phát triển các sản phẩm du lịch mới”, đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năm 2021, cho thấy chỉ số năng lực phát triển du lịch và lữ hành Việt Nam cải thiện lớn khi đứng thứ 52, tăng lên 8 bậc so với năm 2019. Báo cáo xếp hạng cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững.
Công nghệ số hiện tại đã trở thành một phần tất yếu của ngành du lịch. Chỉ số về công nghệ số đối với du lịch giờ cũng giống như các chỉ số về khách sạn, đồ ăn hay cảnh quan, ông Nguyễn Huy Dũng phân tích.
“Đối với chủ đề du lịch năm 2023 là “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”, tôi thấy hiện tại điều quan trọng Việt Nam cần làm là làm sao để khách du lịch quay trở lại Việt Nam và chính những người đã tới sẽ giới thiệu với bạn bè họ”, ông bày tỏ.
Đề xuất đầu tiên của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là thực hiện nghiên cứu lý do khách du lịch không quay lại, liệt kê ra các vấn đề, giao cơ quan chủ trì giải quyết. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối tổng thể để liệt kê vấn đề và đề xuất cơ quan chủ trì giải quyết. Còn giải quyết thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền các cấp chứ không chỉ là nhiệm vụ của ngành Du lịch.
Thứ hai là cần có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp. Bởi, hành trình du lịch bắt đầu bằng việc tìm kiếm thông tin.
“Việt Nam đã có website quốc gia, đây là khởi đầu tốt, nhưng tôi xin đề xuất Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tìm cách làm tốt hơn và đầu tư mạnh hơn vào việc thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một website quốc gia và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn, trong đó có cả bản đồ về du lịch, mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Ông kiến nghị đặt mục tiêu trong ngắn hạn là làm tốt như Thái Lan, có một website quốc gia và một ứng dụng quốc gia chuyên nghiệp. Công nghệ chỉ là điều kiện cần, và dễ giải quyết, còn dữ liệu, nội dung và những thứ khác thuộc về nghiệp vụ du lịch mới tạo nên điều kiện đủ.
Ông Nguyễn Huy Dũng gợi ý một trong những nội dung tạo nên điểm khác biệt của du lịch Việt Nam là tài nguyên văn hóa. Tài nguyên văn hóa có thể gồm di tích văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, là phong tục và nghề truyền thống.
“Việt Nam cần có kế hoạch hành động số hóa các địa điểm du lịch và tài nguyên văn hoá. Lưu trữ tài nguyên dưới dạng kỹ thuật số, quản lý, phân tích và phổ biến rộng rãi. Những thông tin số hoá này được tích hợp lên website và ứng dụng quảng bá du lịch của Việt Nam”, ông khẳng định.
Website quốc gia và ứng dụng quốc gia về du lịch này không thay thế website hay ứng dụng địa phương về du lịch, mà liên kết thông suốt với tất cả các website và ứng dụng du lịch khác.
Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng cần và phải huy động sự tham gia một cách rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp thông tin.
“Giống như Cổng dịch vụ công quốc gia vậy. Đây được coi như là bộ phận một cửa và là địa chỉ lôi cuốn, tin cậy, phong phú và đầy đủ về tất cả các hoạt động du lịch của Việt Nam cũng như kênh hỗ trợ du khách về tất cả các vấn đề liên quan một cách chuyên nghiệp”, ông nói.
Theo Laodong