Cụ thể, theo báo cáo từ Ngân hàng HSBC, Việt Nam có những lý do chính đáng để kỳ vọng du lịch quốc tế phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
Theo dự đoán, trong năm 2023, Việt Nam có thể đón từ 3-4,5 triệu lượt khách Trung Quốc, tương đương khả năng phục hồi 50-80% so với trước đại dịch.
“Với tỷ lệ khách du lịch Trung Quốc không nhỏ (30%), Việt Nam có thể cũng sẽ là một nước hưởng lợi trong khu vực, chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận “cú hích” từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc”, báo cáo của HSBC nhận định.
Mặc dù vậy, báo cáo từ ngân hàng này cũng chỉ ra rằng, điều này chỉ xảy ra nếu Việt Nam có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh.
Đến nay, Việt Nam chưa có chính sách miễn thị thực (visa) cho khách du lịch từ các thị trường lớn, gồm: Trung Quốc, Mỹ và Australia, các nước châu Âu được miễn thị thực nhưng thời hạn lưu trú chỉ được 15 ngày. Rõ ràng, so với các quốc gia khác, việc tiếp cận chế độ miễn thị thực vẫn còn tương đối chặt chẽ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình này có thể sẽ thay đổi, Chính phủ đang cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày và triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân đến từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, du lịch Việt Nam còn có những thuận lợi khác từ việc khai thác thêm các thị trường mới nổi như Ấn Độ, một quốc gia có dấu ấn ngày càng tăng trong ngành du lịch quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo từ HSBC cũng chỉ ra rằng, một trong những cơ hội đối với du lịch là việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Du lịch thể thao, một phân khúc nằm trong tầm nhìn mục tiêu của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng có thể thu hút nhóm có mức chi tiêu cao.
Cùng với sản phẩm khác như du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch trải nghiệm nông nghiệp, các dự án phát triển liên quan sẽ đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ thu hút sự quan tâm của thế giới đối với du lịch Việt Nam.
Theo Laodong