Nằm trên sông Bidasoa, biên giới tự nhiên giữa Tây Ban Nha và Pháp, đảo Pheasant sở hữu bề dày lịch sử và câu chuyện liên quan đến địa chính trị hấp dẫn. Hàng trăm năm trước, đây chính là nơi kết thúc Chiến tranh 30 năm giữa Tây Ban Nha và Pháp. Hai quốc gia cử một số quan chức quan trọng trong bộ máy chính quyền đến hòn đảo để tham gia đàm phán.
Quân đội của Pháp và Tây Ban Nha tập trung ở cả hai phía của Bidasoa để chuẩn bị cho trường hợp buổi đàm phán diễn ra không như ý muốn. Sau 11 năm và 24 hội nghị thượng đỉnh, một thỏa thuận chung được ký kết và đảo Pheasant trở thành khu vực có chế độ quản lý chung, thuộc chủ quyền chung của cả hai quốc gia.
Khi Pháp và Tây Ban Nha quyết định chấm dứt cuộc chiến, đảo Pheasant trở thành biểu tượng cho việc lập lại hòa bình giữa hai nước. Vua Louis XIV của Pháp đã kết hôn với con gái của Vua Philip IV, Maria Theresa của Tây Ban Nha trên hòn đảo này.
Một tượng đài được xây dựng để kỷ niệm việc kí kết hiệp định lịch sử nằm ngay ở trung tâm hòn đảo. Từ thời điểm đó, cả hai quốc gia có quyền giám sát, quản lý chung đối với đảo Pheasant.
Kể từ khi thỏa thuận được ký kết vào năm 1660, đảo Pheasant thuộc về Tây Ban Nha từ ngày 1.2 đến ngày 31.7 hàng năm và thuộc về Pháp trong nửa năm còn lại.
Du khách chỉ được phép lên đảo trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn như lễ bàn giao quyền quản lý 2 năm một lần hoặc trong các chuyến tham quan di sản hiếm hoi. Ngoài ra, các nhân viên của chính quyền thành phố Irun ở Tây Ban Nha và Hendaye ở Pháp sẽ đến đảo Pheasant sáu tháng một lần để kiểm tra và dọn dẹp cây cỏ.
Bộ Tư lệnh Hải quân của cả Tây Ban Nha và Pháp chịu trách nhiệm giám sát đảo Pheasant, vì vậy trong thời gian đảo thuộc chủ quyền nước nào thì quân đội nước đó sẽ thay phiên trực đảo 5 ngày một lần.
Theo Laodong