Nepal nổi tiếng là quốc gia sở hữu nhiều cung đường trekking ấn tượng thu hút các trekker lão luyện trên toàn thế giới. Trong đó, chắc chắn phải kể đến Annapurna – nơi được đánh giá là cung đường leo núi đẹp nhất thế giới.
Anh Đỗ Duy Luân, đến từ Hà Nội, có chuyến du lịch đến Nepal từ cuối tháng 3, với mục tiêu chính là khám phá cung đường Annapurna được nhiều trekker mơ ước chinh phục.
Hành trình của Duy Luân bắt đầu từ ngày 23.3, check-in 5 điểm nổi tiếng với tổng quãng đường 282km. Chuyến đi gồm 20 ngày trekking đường núi và 3 ngày di chuyển bằng xe jeep, taxi và xe khách.
Cung đường trekking Duy Luân lựa chọn đi qua 5 điểm chính gồm: Tilicho – hồ nước tự nhiên cao nhất thế giới với độ cao 4.919m so với mực nước biển, Thorong La – đèo cao nhất thế giới với độ cao 5.416m, trạm dừng đồi Poon cao 3.200m, Annapurna Base Camp cao 4.130m và Mardi Himal View point cao 4.155m.
Dưới đây là một số điều thú vị qua cảm nhận của Duy Luân sau chuyến đi thú vị này.
Say độ cao
Từ độ cao 2.500m trở lên, du khách có thể gặp tình huống say độ cao do cơ thể chưa thích nghi với việc nồng độ Oxy trong không khí bị giảm. Du khách có thể bị say từ độ cao 2.500m, 3.000m hay 4.000m hoặc không bị, tuỳ vào cơ địa mỗi người, bất kể khoẻ hay yếu.
“Leo núi ở Việt Nam ít người bị tình huống này nhưng đã leo núi ở Himalaya thì nên chuẩn bị kỹ, vì nếu say “nặng” thì hành trình có thể rất cực khổ, bị kéo dài hơn dự kiến hoặc kết thúc sớm”, anh Luân nói.
Từ độ cao 4.000m, một số hôm nam du khách bị đau đầu nhẹ, phải uống paracetamol. Anh uống nhiều nước và hít thở sâu, cơn say hết sau vài giờ. Nghỉ ngơi, ngủ đủ 8 tiếng, uống 3 lít nước mỗi ngày và tăng độ cao vừa phải mỗi ngày là lời khuyên của nhiều người để giúp cơ thể thích nghi với thay đổi độ cao.
Lạnh
“Nếu chưa từng đến những nước có mùa đông lạnh giá thì khi lên núi ở Nepal, bạn sẽ được trải nghiệm cái lạnh cắt da cắt thịt, lạnh tê tái vào tháng 3-4 này”, anh nói. Áo phao, găng tay, khăn đa năng, túi ngủ, kính râm, mũ, áo quần giữ nhiệt, tất dày, giày chống nước… là những thứ tối quan trọng giúp bạn sống sót, thích nghi với cái lạnh ở Himalaya và đến được những điểm check-in.
Ẩm thực
Đến Nepal, du khách phải sẵn sàng tinh thần nhiều ngày ăn Dal Bhat – một kiểu mâm cơm đặc sản của quốc gia này. Suất ăn gồm gồm cơm (hoặc hạt thay thế) cùng với đậu lăng, ăn kèm bởi các món ăn phụ khác như dưa chua, cà ri, thịt hoặc cá, sữa chua, tương ớt…
Ngoài ra, du khách có thể thưởng thức một số món dễ năn khác như Momo (món ăn gần giống há cảo), Spring Roll (bánh cuộn), Tibetan Bread (bánh mì kiểu Tây Tạng)…
80% dân số Nepal theo đạo Hindu nên không ăn thịt bò, thịt lợn mà chủ yếu ăn thịt gà hoặc cá. Lên đến độ cao 3.500m, du khách có cơ hội ăn thịt bò yak. Du khách cũng nên mang theo thuốc tiêu hóa, vitamin rau, viên rau tổng hợp để bổ sung dưỡng chất nếu không hợp với đồ ăn ở Nepal.
Thủ đô Kathmandu
Kathmandu – thủ đô của Nepal nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo ứng dụng AirVisual. Chất lượng không khí kém do khói bụi từ xe cộ và các công trình xây dựng. Sau trận động đất kinh hoành phá huỷ thành phố vào năm 2015, Kathmandu vẫn còn đang xây dựng lại rất nhiều. Trong thành phố hầu hết là ôtô cũ xả thải khói đen, đường bụi mịt mù.
Ở Kathmandu có vài đền, chùa rất nổi tiếng với người theo đạo Hindu. Họ có tập tục hoả táng người đã khuất ngay bên cạnh dòng sông chính của thành phố.
Ngoài ra, nếu phải mua gì đó cho hành trình trekking, leo núi, trừ đồ dùng sinh hoạt thiết yếu hay ăn uống, bạn nên mặc cả 40-50% mức giá mà họ đưa ra.
Nhà nghỉ
Khi rời khỏi Kathmandu và hướng về các dãy núi Himalaya, trên đường trekking du khách sẽ gặp rất nhiều nhà nghỉ. Cứ khoảng 1 tiếng đi bộ, bạn sẽ bắt gặp một khu nhà nghỉ, lên cao hơn thì khoảng cách sẽ xa hơn.
Hầu hết các nhà nghỉ có sạc điện tại phòng (lên cao thì có khu sạc tập trung tại phòng ăn), Wi-Fi miễn phí trên cung đường Annapurna Circuit Trek nhưng bị tính phí trên cung Annapurna Base Camp. Lên càng cao, Wi-Fi càng yếu hơn, chập chờn hoặc không, có nơi mất kết nối.
Các nhà nghỉ phục vụ cho khách du lịch là chính nên có thêm các món Tây (pasta, spaghetti, pancake, pizza…) và toilet bệt. Nhà nghỉ có chăn bông, đủ ấm với một số người, còn anh Luân dùng túi ngủ tự mang theo.
Toilet không có giấy vệ sinh miễn phí, phải tự mang theo hoặc mua với khoảng 20.000 đồng/cuộn, càng lên cao giá càng đắt. Tương tự với nước uống, nếu không có đồ lọc nước thì du khách nên mua ở nhà nghỉ, giá khoảng 18.000 đồng/chai 1 lít và càng lên cao càng đắt.
Hầu hết các nhà nghỉ có cùng thực đơn, cùng mức giá, lên cao trên 4.000m sẽ đắt hơn vì khâu vận chuyển khó khăn hơn, phải dùng sức người, sức lừa, sức ngựa thay vì xe bán tải. “Đây là điều mình rất hài lòng vì không lo chặt chém và dễ lên kế hoạch ngân sách trước chuyến đi”, anh Luân chia sẻ.
Hướng dẫn viên và người mang vác đồ
Hướng dẫn viên (guide) và người mang vác đồ (porter) ở Nepal có thể nói tiếng Anh vừa đủ để khách hiểu. Anh Luân nhận xét họ khoẻ mạnh, kinh nghiệm, rất chu đáo và xuất thân từ những vùng núi trên khắp đất nước.
Nhiều khách du lịch thích trải nghiệm tự túc (không cần guide hay porter) để tiết kiệm chi phí. Điều kiện là họ có đủ sức khoẻ để tự mang vác toàn bộ hành lý khoảng 10-12kg trong hành trình dài. Nhóm anh Luân đi cùng một guide và 2 porter, chi phí cao hơn nhưng đổi lại mang thêm được một số đồ cá nhân, đồ pha trà, cà phê, đồ ăn từ Việt Nam. Anh Luân cũng xem như việc sử dụng dịch vụ mang lại thu nhập cho người địa phương.
“Nếu không có porter và guide, trải nghiệm của nhóm mình chắn chắn sẽ vất vả hơn nhiều, ít thú vị hơn và ít hiểu biết hơn về văn hoá và con người Nepal”, nam du khách chia sẻ. “Từ 1.4, một số tuyến đường trekking như Annapurna Circuit Trek bắt buộc phải có guide hoặc porter đi cùng. Nếu định đi Nepal, bạn nên tìm hiểu trước về vấn đề này”.
Chó trên núi ở Nepal
Chạy bộ vào sáng sớm ở Kathmandu, du khách sẽ dễ dàng gặp vài chú chó, như chó ta ở Việt Nam. Tại các ngôi làng trên đường trekking, anh Luân gặp nhiều chú chó “núi”, chúng rất hiền, nằm ngủ dưới nắng rất thoải mái.
“Lên cao hơn sẽ gặp những chú chó đúng kiểu “dân làm du lịch”, rành rọt các con đường, thân thiện khi chụp ảnh, sẵn sàng dẫn đường nếu quý vị thích”, nam du khách chia sẻ.
Đặc sản cầu dây văng
Cầu dây văng là “đặc sản” trên vùng Himalaya của Nepal, hay được gọi là “Nepali Bridge”. Những cây cầu bằng sắt rất chắc chắn, vắt qua các hẻm núi, giúp cho cung đường trekking đẹp và dễ dàng hơn.
Visa, giấy phép và chi phí
Xét về chi phí thì Nepal khá rẻ, nhiều du khách đã chia sẻ về ngân sách chưa đến 10 triệu đồng cho một chuyến đi 15 ngày ở Nepal (chưa tính vé máy bay). Visa nhập cảnh vào Nepal xin ngay tại sân bay đến, với giá 50 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) cho 30 ngày.
Đi trekking hay leo núi ở Nepal phải có giấy phép. Chính phủ nước này có các trạm kiểm tra giấy phép trên đường. Nếu tự xin giấy phép, du khách có thể xin ở Kathmandu hoặc điểm xuất phát khi trekking. Nếu thuê hướng dẫn viên, bạn có thể nhờ họ xin giấy phép, anh Luân gợi ý.
Theo Laodong