Trong những năm gần đây, ngành du lịch tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN) chủ động huy động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp thành viên trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP/GEF SGP) chấp thuận tài trợ đề xuất dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch của HHDLVN. Thời gian thực hiện kéo dài 18 tháng từ tháng 1.2023 đến hết tháng 6.2024.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đặt mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia. Trong đó, thông qua các hoạt động truyền thông dự án sẽ nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch về giảm thiểu rác thải nhựa.
Những giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa sẽ được thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam. Từ đó, những giải pháp, sáng kiến tối ưu sẽ được nhân rộng trên toàn quốc. Thông qua chương trình thí điểm, dự án được kỳ vọng đạt mục tiêu xây dựng, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”. Bên cạnh đó là xây dựng và vận hành ứng dụng về quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch.
Chủ tịch HHDLVN Vũ Thế Bình cho rằng dự án là bước ngoặt trong hoạt động môi trường của ngành du lịch. Thông qua dự án, những tiêu chuẩn, quy chế để giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch sẽ được ban hành, tiến tới nhiều địa phương đạt danh hiệu cơ sở du lịch nói không với rác thải nhựa.
Là một trong những địa phương thí điểm dự án giảm thiểu rác thải nhựa, Quảng Nam đã áp dụng thành công với Cù Lao Chàm – hình mẫu đi đầu phong trào điểm du lịch “nói không với túi nilon và ống hút nhựa”.
Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn cho hay, chương trình nói không với rác thải nhựa của Cù Lao Chàm ban đầu thực hiện theo hình thức khuyến khích, sau đó chính quyền ban hành chế tài liên quan. Từ đó, mô hình nhân rộng và áp dụng tại Hội An cũng như nhiều địa phương khác khắp Quảng Nam.
Phát biểu tại lễ khởi động, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia của chương trình Tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP) cho biết “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” là dự án đầu tiên UNDP-GEF SGP tài trợ cho HHDLVN trong bối cảnh các vấn đề môi trường gia tăng.
Tuy nhiên, dự án có tiềm năng đạt được những thành tựu tích cực khi có sự gắn kết giữa các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hệ thống doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền kỳ vọng vào tiềm năng mở ra những dự án hợp tác mới với cộng đồng doanh nghiệp du lịch khi HHDLVN có các hiệp hội tại 57 tỉnh thành, với khoảng 15.000-16.000 doanh nghiệp hội viên.
“Với những gì khuyến nghị trong dự án rác thải nhựa này, chúng tôi sẽ chuyển tới các tỉnh và có hệ thống kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa các bài học cụ thể từ quốc tế. Đặc biệt, bài học của Việt Nam qua dự án của HHDLVN sẽ giúp chúng tôi hình thành những kinh nghiệm quốc tế, chuyển tải những khuyến nghị quốc tế để đưa vào quá trình đàm phán cho ra đời hiệp định về rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền nói.
Theo Laodong