TP Hồ Chí Minh – Kỉ niệm sinh nhật Bác tháng 5, Bến Nhà Rồng nhộn nhịp bước chân du khách đến để tiếp lửa truyền thống, dâng hoa, báo công với Người.
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975), Bến Nhà Rồng (xây dựng năm 1862) được cải tạo làm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến ngày 2.9.1979, nơi đây mở cửa đón khách tham quan trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tháng 10.1995, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được đổi tên thành Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh. Đây là chi nhánh nằm trong hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước.
Chứng nhân lịch sử
Không chỉ là nơi nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua hàng chục nghìn tư liệu, hiện vật, hình ảnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham quan, tìm hiểu nơi ghi dấu sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Là nơi khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm con đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp).
Tháng Năm, vào dịp kỉ niệm sinh nhật Bác, Bến Nhà Rồng lại nhộn nhịp bước chân du khách đến đây để được tiếp lửa truyền thống, dâng hoa, báo công với Người.
Cùng đoàn cựu chiến binh vào thăm Bến Nhà Rồng dịp kỉ niệm sinh nhật Bác năm nay, ông Nguyễn Chiến Công (78 tuổi, TP Hồ Chí Minh) không giấu được xúc động: “Từng tham gia trận chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, khi bước chân vào Bến Nhà Rồng tôi thực sự cảm động. Từng chi tiết trong Bến cảng khiến tôi nhớ về những trận chiến cùng các đồng đội, những đêm dài kháng chiến gian khổ mất mát để giành được độc lập như ngày hôm nay”.
Đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngoài phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Minh, du khách có thể tham quan các phòng trưng bày theo các chủ đề. Đến với phòng trưng bày, khách tham quan có thể lần giở theo từng hình ảnh, hiện vật tái hiện thời thơ ấu và thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bước đầu hoạt động yêu nước và cách mạng; Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận Chủ nghĩa Mác – Lênin và khẳng định con đường Cách mạng Việt Nam (1890-1920).
Tiếp theo đó là chặng đường Người đấu tranh bảo vệ và vận dụng sáng tạo đường lối của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam (1920-1930). Đó còn là chặng đường Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công và lập nên nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1930-1954). Cuối cùng là chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954-1969).
Địa chỉ đỏ thu hút khách du lịch
Với công việc chính là thuyết minh đón tiếp khách du lịch đến tham quan bảo tàng, chị Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền – Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm, Bến Nhà Rồng đón rất nhiều đoàn khách đến tham quan như nguyên thủ quốc gia, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thành uỷ, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh… hoặc lãnh đạo của các tỉnh đến tham quan, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chị Kim Liên chia sẻ, kỉ niệm nhớ nhất trong 21 năm làm thuyết minh viên của chị là lần giới thiệu chuyên đề cho đoàn Quốc hội Lào. Đoàn khiến chị cảm thấy xúc động nhất, khi đoàn nước ngoài bày tỏ tình cảm với Bác lớn như vậy. “Đó là niềm tự hào và vinh dự đối với tôi và những người con Việt Nam khi nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha già kính yêu của dân tộc”, nữ thuyết minh viên nói.
Cùng gia đình lắng nghe những chia sẻ của hướng dẫn viên, bạn Nguyễn Như Minh (18 tuổi, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Sau khi được lắng nghe hướng dẫn viên chia sẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc nơi Bến Nhà Rồng, mình cảm thấy rất tự hào về những gì ông cha ta đã làm được.
Với trải nghiệm thăm bảo tàng, ngoài học trên sách vở chúng mình có thể hiểu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, những hy sinh, công lao to lớn của Bác qua những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật sống động để biết trân trọng hơn những giá trị của cuộc sống hôm nay”.
Đối với người Việt Nam, Bến Nhà Rồng là một trong những địa điểm có ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, hình ảnh về lịch sử Việt Nam, đặc biệt là hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, hàng năm, Bến Nhà Rồng – nơi đặt trụ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đều đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến ghé thăm.
Theo Laodong