Những dấu mốc quan trọng năm 2022
Ngành du lịch Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn từ tháng 3.2022 sau thời gian dài ảnh hưởng từ đại dịch, bắt đầu phục hồi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Sau đại dịch, các quy trình thủ tục của Việt Nam để kiểm soát y tế, xuất nhập cảnh, thị thực, phương án đón và phục vụ khách du lịch được triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có chính sách mở cửa thông thoáng nhất: Không yêu cầu tiêm phòng vắc-xin, không yêu cầu cách ly y tế, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19 và không yêu cầu khai báo y tế trước khi nhập cảnh.
Ngay sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách trong và ngoài nước. Tiêu biểu trong đó có thể kể tới: chương trình truyền thông với chủ đề “Live fully in Vietnam”, chương trình “Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn”, ra mắt video clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! – Let’s shine and live fully”…
Đồng thời, nước ta cũng chủ trì tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến quảng bá như: Hội chợ VITM Hà Nội, Hội chợ ITE TP.HCM, Diễn đàn Du lịch Kontum, Diễn đàn Du lịch Mekong 2022… Phía Tổng cục Du lịch cũng thúc đẩy tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế như: Hội nghị của Tổ chức Du lịch thế giới tại Maldives, Hội nghị ngành du lịch thế giới ở Hàn Quốc, Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Campuchia…
Đặc biệt, dấu ấn chuyển đổi số và truyền thông quảng bá du lịch được thực hiện mạnh mẽ trong năm 2022. Theo đó, Tổng cục đã thực hiện hệ sinh thái du lịch thông minh, các nền tảng du lịch, website và mạng xã hội… thu hút sự quan tâm của đông đảo du khach trong nước và quốc tế.
Kết quả là, lượng khách du lịch nội địa năm 2022 đạt trên 100 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm 2022 và cao hơn cả năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Lượng khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt, trong khi nhiều thị trường nguồn lớn vẫn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.
Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của Du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.
Ngoài ra, trong năm 2022, Việt Nam còn đạt vô số giải thưởng du lịch tầm cỡ thế giới.
Triển khai nhiệm vụ trong năm mới 2023
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Tổng cục Du lịch trong năm 2022 bất chấp những khó khăn sau đại dịch. Các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế, truyền thông, chuyển đổi số đã phát huy hiệu quả tích cực.
Trong năm 2023, Tổng cục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045″. Về phương hướng, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục tập trung rà soát các văn bản pháp luật về du lịch, tham mưu Lãnh đạo Bộ việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.
Song song với đó, Tổng cục cần mghiên cứu, tham mưu Lãnh đạo Bộ giải pháp thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, xác định rõ những thị trường trọng điểm, thị trường có tiềm năng cần đẩy mạnh. Đồng thời, phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch phải nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng như du lịch cộng đồng, du lịch MICE, du lịch biển đảo, du lịch thông minh… để định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Tổng cục Du lịch tập trung chuẩn bị tốt cho 2 sự kiện quan trọng trong thời gian tới là Hội nghị toàn quốc về du lịch gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Hội nghị về thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo Laodong