Vùng đất Gò Công nơi diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân, hội tụ nhiều di tích cấp Quốc gia. Dưới đây là hai điểm đến gợi ý cho du khách đến Gò Công.
Cụm di tích Đền thờ – Lăng mộ – Tượng đài Anh hùng dân tộc Trương Định
Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định có công lớn lãnh đạo nhân dân kháng chiến trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm khi triều đình còn nhu nhược. Để ghi nhớ công ơn to lớn của ông lúc sanh tiền, gia quyến và nhân dân xây dựng lăng mộ khang trang tại thị xã Gò Công.

Ban đầu mộ Trương Định được xây bằng đá ong và hồ ô dước, trên bia mộ khắc “Đại Nam, lãnh An – Hà lãnh Binh, kiêm Bình Tây Đại tướng quân Trương Công húy Định chi mộ”. Tuy nhiên dòng chữ “Bình Tây Đại Tướng Quân” bị nhà cầm quyền Pháp ra lệnh đục bỏ và phạt người lập bia, bà Trần Thị Sanh – vợ thứ của Trương Định, 10.000 quan tiền vì lập bia trái phép.
Đến năm 1987, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận lăng mộ Trương Định là di tích cấp quốc gia. Cụm di tích liên quan đến cuộc kháng chiến của Ông như Đám lá tối trời, Ao Dinh và Đền thờ Trương Định tại huyện Gò Công Đông nhận bằng di tích cấp quốc gia năm 2004.

Theo thời gian, khu di tích Trương Định được bảo tồn nguyên vẹn, nổi bật lối kiến trúc Nam bộ truyền thống. Cổng đền và khu thờ tự đều được thiết kế kiến trúc ba gian ba cửa, mái vòm, trạm trổ hình rồng. Tại khu đền thờ còn lưu giữ nhiều hiện vật của Trương Định như gươm, bình trà, đồ gốm…
Lăng Hoàng Gia
Lăng Hoàng Gia là khu lăng mộ của dòng họ Phạm Đăng tại Gò Công, trong đó có Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Toàn bộ lăng mộ tọa lạc trong công viên xanh thoáng mát, có rất nhiều sứ đại cổ thụ, hoa lá cảnh vật có dáng dấp như nhà vườn xứ Huế. Kiến trúc đền thờ và lăng mộ theo phong cách Á – Âu kết hợp.

Lăng ông Phạm Đăng Hưng tọa lạc trên Gò Rùa, thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Mộ xây hình bát giác, bên trên hai hàng mộ đắp 3 vành thể hiện tam tài thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Phía sau mộ là tấm hoành phi lớn 4 ông rồng ngự trị với cặp mắt to sáng. Bên dưới là hữu ngũ Công, Hầu, Bá, Tử, Nam (5 tước mà nhà vua ban cho kẻ sĩ) thông qua ngũ đại thành sư (5 ông kỳ lân), ngụ ý 5 đời danh giá tốt đẹp của dòng họ Phạm.
Quy mô chôn cất ở hàng quân vương thay vì thần tử do Phạm Đăng Hưng là bố vợ của vua Thiệu Trị, thân phụ Thái hậu Từ Dụ (thường được gọi là Từ Dũ), ông ngoại của vua Tự Đức.

Ngày 2.12.1992, Lăng Hoàng gia được công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Theo người giữ lăng cho biết lần trùng tu gần nhất vào năm 2019 sửa chữa lăng mộ và hàng rào xung quanh. Nơi đây có đền thờ và các tổ mộ quan trọng của Đức Quốc Công nên mới gọi là Lăng Hoàng Gia.
Theo Laodong