Theo dõi trận ra quân bùng nổ của Bồ Đào Nha trên sân vận động 974, anh Thành Trung, đến từ Hà Nội, ấn tượng trước khán đài kín chỗ, vang tiếng reo hò của các cổ động viên. Nam du khách thú thực chỉ đi xem World Cup 2022 tại Qatar để tận hưởng không khí cuồng nhiệt bên đường pitch, bởi đội tuyển Italy yêu thích của anh vắng mặt tại vòng chung kết.
World Cup không đắt đỏ
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng hành trình World Cup rất đắt đỏ, anh Trung chỉ phải bỏ ra 250 QAR (tương đương 1,7 triệu đồng) cho một vé xem trận vòng đấu bảng. Ban đầu, anh Trung cũng chưa biết mình sẽ xem trận nào. Đến khi FIFA bốc thăm chia bảng vào tháng 4, anh bất ngờ khi biết mình vô tình mua trúng trận Bồ Đào Nha – Ghana ngày 24.11 (giờ Việt Nam).
“Tôi đặt vé từ tháng 3.2022 trực tiếp trên trang chủ của FIFA. Khi đó, chỉ là hai vợ chồng mong muốn đi xem World Cup nên đặt vé”, anh Trung lý giải. Điều duy nhất anh tiếc là không thể xem trận ra quân của Brazil ngay sau đó.
Khi nước chủ nhà công bố chính sách về Hayya Card – tấm thẻ quyền lực cổ động viên dùng để nhập cảnh, vào sân xem bóng đá và sử dụng phương tiện công cộng miễn phí ở Qatar, anh Trung đăng ký nhanh chóng theo hướng dẫn.
Để nhận thẻ, khách quốc tế có hai lựa chọn: đặt phòng khách sạn qua website của FIFA; hoặc chỉ đến Qatar xem bóng đá trong ngày (match day visit). Khảo sát giá cả, anh Trung nhận thấy phòng khách sạn trung bình khoảng 200 USD một đêm, loại phòng container hay lều trong các làng cổ động viên cũng có giá tới 400-500 USD một đêm. Vợ chồng anh chốt phương án không lưu trú tại Qatar, mà đến Ấn Độ du lịch, sau đó bay sang Doha xem bóng đá.
Nam du khách đặt vé máy bay trước ngày khởi hành khoảng 2 tháng, hết khoảng 20 triệu đồng cho tổng hành trình khứ hồi từ Việt Nam sang Ấn Độ, từ Ấn Độ sang Qatar. Hiện vé máy bay thẳng khứ hồi từ Việt Nam đến Qatar dao động vào khoảng 35 đến 50 triệu đồng tùy thời điểm khởi hành.
Với tấm thẻ Hayya, vợ chồng anh Trung không tốn chi phí di chuyển mà sử dụng các phương tiện công cộng miễn phí của nước chủ nhà. Hai người ăn uống đơn giản để tiết kiệm thời gian, ví dụ một bữa ăn nhẹ gồm bánh mì và trà sữa có giá khoảng 100.000 đồng.
Về cơ bản, anh Trung tiết kiệm khá nhiều chi phí trong chuyến đi xem World Cup cho hai người, trải nghiệm không hề cực khổ. Vợ chồng anh còn “lãi” một chuyến du lịch Ấn Độ, bởi chi phí khách sạn, ăn uống tại điểm transit này ở mức vừa phải.
Người Qatar hiếu khách
Từng dành hai tuần xem World Cup 2018 tại Nga, anh Trung cho rằng điểm hạn chế duy nhất của kỳ World Cup 2022 này là không khí ít sôi động hơn vì lệnh cấm bán bia có cồn tại các sân vận động. “Bù lại, Qatar làm tốt khâu tổ chức, đi lại, đội ngũ tình nguyện viên có mặt ở khắp nơi”, nam du khách dành lời khen cho nước chủ nhà năm nay.
Ngay từ khi nhập cảnh, khách xem World Cup đã cảm thấy được chào đón. Mọi thủ tục liên quan đến di chuyển, xuất nhập cảnh hay ra vào sân vận động đều nhanh chóng, thực hiện qua hệ thống điện tử. Khi nhập cảnh, du khách không phải xếp hàng, đợi hải quan làm thủ tục mà chỉ cần quét hộ chiếu vào máy là xong. Khi vào sân, khách mua vé điện tử cũng chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR, không cần xuất trình thẻ Hayya. Anh đánh giá cao những ưu đãi của nước chủ nhà dành cho cổ động viên, chăm chút từ những điều bình thường nhất như toilet công cộng miễn phí và sạch sẽ.
Chỉ dành một ngày ở Qatar, vợ chồng anh Trung vẫn thoải mái thăm thú những điểm đến đặc trưng nhất tại trung tâm Doha, bởi thành phố này khá nhỏ. Họ ghé chợ truyền thống Souq Wajif – khu chợ cổ bày bán đủ mặt hàng thủ công, gia vị, đồ lưu niệm cho đến vàng; các khu phố mua sắm; điểm chụp ảnh đẹp cho đến đồng hồ đếm ngược bên cầu câu cá Corniche…
“Mặc dù là dịp cao điểm, mọi cửa hiệu, quán ăn địa phương đều có giá cả phải chăng. Không vì World Cup mà người dân chặt chém”, anh Trung nhận xét. “Tôi ấn tượng nhất là con người Qatar hiếu khách vì ai cũng thân thiện, sẵn lòng giúp đỡ du khách. Từ những tình nguyện viên còn hát hò, tương tác với cổ động viên quốc tế, đến người dân bình thường trong chợ cũng trò chuyện vui vẻ với du khách”.
World Cup 2022 là lần thứ hai anh Trung trực tiếp theo dõi một sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế ngoài lãnh thổ Việt Nam. Anh bắt đầu hành trình xem đá bóng ở nước ngoài với kỳ World Cup 2018, tiếp đó là năm 2019 khi Việt Nam đá Asian Cup tại UAE. Anh săn vé Euro 2020 thành công nhưng không thể sang Châu Âu vì COVID-19.
Anh Trung cho biết, khách mua vé xem các sự kiện thể thao quốc tế thường có lợi thế khi được ưu tiên nhập cảnh, thủ tục visa thuận lợi và cái “lãi” nhất là tận hưởng không khí của giải đấu cùng mọi người trên khắp thế giới.
“Tôi mong muốn hai năm tới có thể xem Thế vận hội mùa hè 2024 tại Paris, Pháp hoặc theo dõi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đá vòng chung kết FIFA World Cup 2023 tại New Zealand”, anh cho hay. Vợ chồng anh cũng chắc chắn đến 99% sẽ sang Châu Mỹ xem World Cup 2026.
Theo Laodong