Chính điện Dinh Cậu. |
Trước Chánh điện thờ Dinh Cậu có hai câu đối bằng chữ Hán:
“Vạn cổ anh linh thông thiên địa/Thiên thu hiển hách chiếu càn khôn”.
Tạm dịch:
“Muôn đời anh linh chiếu trời đất/ Ngàn thu hiển hách chiếu rọi càn khôn”.
Sự linh ứng thể hiện qua hai câu thơ trên nơi đền Dinh Cậu không phải là sự ngẫu nhiên. Đôi câu đối đã phản ánh trung thực một phần nào đó những niềm tin người dân Phú Quốc về sự linh ứng, che chở của đấng thần linh với nghề ngư phủ.
Tấm bùa hộ mệnh ngư dân
Cách thị trấn Dương Đông (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) khoảng 200m về phía Tây, Dinh Cậu là một ngôi miếu thờ uy nguy nằm trong tín ngưỡng thờ mẫu và nữ thần của cư dân miền biển Phú Quốc.
Theo lời kể của những vị bô lão nơi đây, tín ngưỡng này được những cư dân miền Trung đưa vào Phú Quốc trong quá trình Nam tiến vào khoảng cuối thế kỷ XVII, dưới triều Nguyễn. Từ bao đời nay, người dân ven biển vốn rất tin tưởng vào Bà – Cậu, họ gọi nghề chài lưới là “nghề Bà – Cậu” và ngư dân Phú Quốc cũng không hề ngoại lệ. Họ tin tưởng rằng “Bà – Cậu” là những người có khả năng “phù hộ độ trì” mỗi khi họ ra khơi, bám biển.
Niềm tin này bắt nguồn từ những câu chuyện hiển linh, kỳ bí về nguồn gốc Dinh Cậu nơi đảo ngọc. Người dân nơi đây ngày nay vẫn còn truyền miệng rằng, vùng đất này xưa kia trước khi có tên là Xích Thổ, tức là vùng đất có màu đỏ. Khi đó, Xích Thổ nằm dưới sự cai quản của Thủy Long Thần Nữ, thường được gọi là Bà Chúa Đảo. Bà có người con mà người dân thường quen gọi là Cậu, tuy được mẹ hết mực thương yêu nhưng Cậu lại có tính khí thất thường.
Trong một lần không nghe lời mẹ, Cậu đã giải thoát cho Sấu tinh đang bị giam cầm nên bị phạt phải đời đời ngồi trên lưng Sấu tinh để canh giữ, dù cho nó đã bị hóa đá. Thương cho cảnh Cậu phải dầm mưa, dãi nắng nên dân làng liền góp tiền bạc dựng miếu ngay lưng chừng núi đá. Về sau người dân quen gọi là Dinh Cậu, mỗi khi ra khơi, dân làng đều đến dâng lễ và xin Bà – Cậu phù hộ bình an, thuận buồm xuôi gió.
Tuy nhiên, người dân Phú Quốc lại thường gọi dinh cậu là Long Vương Thần Miếu, chánh điện gọi là Thạch Sơn Điện. Tên gọi này bắt nguồn từ truyền thuyết mấy trăm năm trước, khi ngư phủ đi biển nếu gặp bão chỉ cần chạy tàu vào cửa biển Dương Đông trú ẩn sẽ thoát nạn. Rất nhiều lần người dân Phú Quốc đứng tại cửa Dương Đông chứng kiến cuồng phong thịnh nộ quật tan nát những chiếc tàu bên ngoài cửa biển. Trong khi những chiếc tàu neo đậu trong cửa biển vẫn bình yên vô sự.
Từ hiện tượng đó, người ta tin rằng có linh thiêng ngự trị nơi cửa biển nên cuồng phong không dám mon men gần bờ. Người ta lại chứng kiến nhiều lần, những chiếc tàu gặp nạn ở tít khơi xa được một ngọn sóng lớn nâng lên cao rồi đẩy vào tận bờ cửa Dương Đông một cách an toàn.
Theo nhiều vị cao niên nơi đây hồi những năm 1930, có một ngư dân đi tàu cá, bị cơn sóng lớn vỗ bể tàu, sắp chìm, tưởng đã thiệt mạng. Ai ngờ, một cơn sóng lớn cao hàng chục mét đẩy tàu lên cao rồi đưa vào bờ. Từ đó, người dân ai cũng tin rằng đó là sóng Long Vương, cứu giúp ngư dân bị nạn trên biển khơi. Theo mô tả, “sóng Long Vương” có hình thù như con rồng nên ngư phủ tin rằng, đó là hiện thân của Long Vương cứu người gặp nạn trên biển.
Trước mỗi chuyến ra khơi xa, ngư phủ đều ghé tàu vào miếu cầu an, cầu xin Long Vương phù trợ chuyến đi biển an toàn. Vật phẩm cúng quan trọng nhất là cặp gà và cặp vịt, theo quan niệm “Ông cúng gà, bà cúng vịt”. Gặp sự cố khi ra khơi, làm ăn thua lỗ… bà con thường cho là Bà – Cậu quở. Lời rủa: “Bà – Cậu nhận chìm ghe” là lời cực kỳ nặng nề, đáng sợ!
Đặc sắc về kiến trúc và văn hoá lễ hội
Thuở ban đầu, miếu được cất bằng vật liệu thô sơ trên đỉnh một hòn đá lớn nhất trong quần thể các hòn đá nơi cửa Dương Đông được gọi là hòn Quy vì có hình thù giống đầu một con rùa. Bởi vậy mà trong Dinh có ghi câu đối:
“Tọa tại thạch đầu quy danh hiển/ Chấn phong bình lảng bảo lương dân”.
Nghĩa là:
“Dinh nằm trên tảng đá hình đầu rùa hiển linh/ Che chắn sóng gió bảo vệ dân lành”.
Ngôi miếu ban đầu xây dựng không có biển danh môn nhưng ai cũng gọi là miếu Long Vương. Quần thể đá này nằm chơi vơi nơi mép nước. Hòn lớn nhất cao khoảng 30 mét so với mặt nước biển. Cạnh hòn Quy còn có một số mỏm đá vôi lớn mang hình thù kỳ dị mà người ta liên tưởng đó là bầy cá sấu. Dinh Cậu nằm dưới, dân chài cũng không rõ Dinh Cậu có từ khi nào mà chỉ xác định được ngôi dinh như hiện nay được xây dựng ngày 14/07/1937 và được trùng tu lại vào ngày 17/07/1997.
Các chủ tế đang tiến hành các nghi lễ quan trọng trong Lễ hội đền Dinh Cậu. |
Dinh Cậu Phú Quốc mang nét của kiến trúc đình chùa miền Bắc, được xây dựng theo hình chữ Đinh, mặt hướng ra biển. Do địa thế đặc biệt như vậy mà cổng vào Dinh thực chất là nằm sau lưng ngôi điện thờ phía trên.
Dưới chân cổng đền có một ngôi miếu nhỏ thờ thổ địa. Những buổi chiều tà, người dân đảo lại ghé qua thắp nhang trên miếu. Bước hết 29 bậc thang đá, theo hành lang dọc ra phía trước sẽ đến điện thờ chính. Trong Chính điện, nơi chánh trực thờ Chúa Ngọc Nương nương, hai bên là Cậu Quý (phải) và Cậu Tài (trái), cùng Tả Ban, Hữu Ban, Sơn thần, Thần Tài và Thổ địa.
Những cư dân địa phương cho biết, 3 lần trùng tu gần nhất được ghi nhận là ngày 14/7/1937, ngày 14/7/1997 và năm 2009. Cuộc trùng tu năm 1937, miếu được cất thành mái tol, vách vôi, trên biển có ghi “Thạch Sơn động”. Cuộc trùng tu ngày 14/7/1997, người ta vẫn ghi trên biển là “Thạch Sơn động” mặc dù nơi cổng dưới chân “núi” lại ghi là “Dinh Cậu”.
Lần trùng tu gần nhất là năm 2009, trên biển ngôi miếu bỗng xuất hiện dòng chữ “Dinh Cậu” cho đến ngày nay. Kể từ sau lần trùng tu năm 1997, trên bàn hương án mới xuất hiện cặp tượng thờ Cậu Tài, Cậu Quí và Chúa Ngọc.
Không chỉ có kiến trúc đặc sắc, cảnh quan thơ mộng nơi đây mới là niềm tự hào của người dân Phú Quốc. Gắn với đền Dinh cậu, hàng năm, vào ngày 15 – 16 tháng 10 (Âm lịch) Lễ hội Dinh Cậu lại được tổ chức với sự chuẩn bị hết sức chu đáo và cầu kỳ của người dân địa phương.
Trong lễ hội thường được tổ chức làm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức rất trang trọng ngay trong khuôn viên Dinh Cậu. Các chủ tế tiến hành những phần việc như lễ nghinh cậu, lễ yết cậu, lễ chánh tế… vào những giờ khắc nhất định trong hai ngày hội. Nghi thức khá giống Lễ Kỳ yên, nhưng thực chất là lễ Cầu ngư, họ cầu an cho bà con ngư dân biển đảo cũng như được một mùa làm ăn tốt đẹp.
Trong Lễ hội Dinh Cậu, sôi nổi nhất là phần hội với nhiều cuộc thi, trò chơi diễn ra ngay trên biển và trên bờ gần khu vực Dinh Cậu. Các trò chơi thu hút đông đảo người dân cũng như khách du lịch tham gia chơi và cổ vũ trong không khí hết sức sôi nổi như xem đua thuyền trên biển, bắt vịt trên biển, đi cà kheo, đập nồi, nhảy bao bố…
Vui nhộn nhất là trò bắt vịt trên biển. Hàng chục con vịt được mang ra thả trên biển cách bờ chừng vài chục mét và người dân ai cũng có thể bơi ra để bắt vịt mang về nhà. Để bắt được một con vịt cũng chẳng dễ dàng bởi phải vừa bơi vừa bắt trong khi sóng biển đánh liên tục nên có người trắng tay, có người bắt được 2- 3 con.
Ngoài giá trị về tín ngưỡng, văn hóa tâm linh, đền Dinh Cậu còn là điểm ngắm hoàng hôn đẹp bậc nhất trên đảo Phú Quốc. Cũng bởi cảnh sắc như chốn tiên cảnh bồng lai như thế mà nhiều nhà thơ, học giả khi đến đây đã tức cảnh sinh tình, viết văn, làm thơ. Nhiều bài trong số ấy được khắc lên vách Dinh Cậu.
Nhân ngày lập thành Dinh Cậu năm 1937, tác giả Khưu Bá Linh có thơ rằng:
“Đỗ gia háo thiện tạo Dinh thành
Kim niên Đinh Sửu chiếu hiển danh
Cự tá lập chính danh bia tạc
Khưu tả thơ đề chính thư sinh
Bá gia bản xứ đồng ca ngợi
Linh miếu trùng tu tái lập thành
Kinh cầu Phú Quốc muôn nhà thịnh
Tặng ông cả Cự có chí thành”.
Dinh Cậu đã được UBND tỉnh Kiên Giang xếp hạng Di tích cấp tỉnh, loại hình danh lam thắng cảnh vào năm 2012. Dinh Cậu giờ đây đã trở thành một biểu tượng về tín ngưỡng tâm linh tốt đẹp của người dân miền biển nói chung và đảo ngọc Phú Quốc nói riêng.